Thứ 7, 20/04/2024 17:43:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 18:58, 21/08/2014 GMT+7

86% diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thứ 5, 21/08/2014 | 18:58:00 1,441 lượt xem
BPO - Trong các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp lần thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, nhiều cử tri đã phản ánh về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về công tác quy hoạch, quản lý và cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất chậm. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Quới, Giám đốc Sở tài nguyên - môi trường (TN-MT) về những vấn đề cử tri quan tâm:

PV: Công tác giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói chung và đối với diện tích đất lâm phần giao về địa phương quản lý là vấn đề đang được đông đảo cử tri trong tỉnh quan tâm. Xin ông cho biết, tiến độ thực hiện, những vướng mắc và giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành như thế nào?

Ông Nguyễn Phú Quới: Tính đến ngày 30-6-2014, các huyện, thị xã trong tỉnh đã cấp 391.566 GCN. Trong đó, có 6.013 GCN của tổ chức và 385.584 GCN của hộ gia đình, cá nhân. Tổng diện tích đã cấp GCN là 522.025,8 ha, trong đó tổ chức là 256.199,4 ha và hộ gia đình, cá nhân: 265.826,4 ha. Như vậy, tỷ lệ diện tích đã cấp giấy chứng nhận đến thời điểm trên là 86,0 % trong tổng diện tích cần cấp GCN, đạt chỉ tiêu hoàn thành cơ bản cấp GCN lần đầu. 

Về tiến độ cấp GCNQSD đất đối với đất lâm nghiệp trả về địa phương theo quy hoạch 3 loại rừng: Tính đến ngày 30-6-2014, toàn tỉnh có tổng số 11.675 hồ sơ đã cấp GCN, với tổng diện tích đã cấp 18.823.5 ha. Trong đó, giao đất là 5.876 hồ sơ với diện tích 6.764,4 ha; Thuê đất là 5.799 hồ sơ, với diện tích 12.059,1 ha. Tỷ lệ diện tích đã cấp GCN trên tổng diện tích đất cần cấp là 16,2%, tăng 8,6% so với thời điểm sơ kết thực hiện Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND ngày 4-11-2009 của UBND tỉnh.

Về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Bình Phước hiện nay là: Một số huyện, thị xã tổ chức công tác xét duyệt hồ sơ đăng ký cấp GCN còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các chủ sử dụng đất nằm trong phần diện tích đất lâm nghiệp trả về địa phương không muốn đăng ký cấp giấy chứng nhận do ngại phải thuê đất. Nhiều trường hợp giấy chứng nhận đã cấp chồng lên đất lâm trường trước đây, nay giao về địa phương quản lý sau quy hoạch 3 loại rừng. Bên cạnh đó, nguồn vốn của Trung ương và địa phương chi cho dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai không chủ động được, vì có năm bố trí, có năm không.

PV: Công tác quy hoạch, quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 được thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Quới: Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã được Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh bổ sung 18 vị trí mỏ vào quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2010, định hướng tới năm 2020 và UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 974/QĐ-UBND.

Đồng thời, thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Khoáng sản, ngày 17-9-2012 sở đã đề nghị UBND tỉnh thuận chủ trương lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 và đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Công văn số 3275/UBND-KTN ngày 2-10-2012. Sau đó, ngày 25-4-2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 658/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương dự án quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Ngày 5-8-2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1340/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán và kế hoạch đấu thầu gói thầu: Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản. Sau đó, Sở TN-MT đã tổ chức đấu thầu thực hiện dự án.

Đến nay, Dự án quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã thực hiện xong công tác điều tra, đánh giá khoáng sản; công tác khoan, khai đào; công tác lấy mẫu thí nghiệm, phân tích mẫu để đánh giá chất lượng khoáng sản và đơn vị tư vấn đang tiến hành lập báo cáo tổng kết dự án gửi Sở TN-MT để xin ý kiến phản biện của các chuyên gia, các ngành của Trung ương và địa phương.

PV: Theo ông, trách nhiệm của Sở TN-MT đối với các vấn đề nêu trên như thế nào?

Ông Nguyễn Phú Quới: Đối với công tác giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở TN-MT đề ra giải pháp thực hiện, cụ thể như sau: Đôn đốc các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ xét duyệt và đơn vị tư vấn tập trung rà soát hoàn thiện hồ sơ đăng ký cấp GCN. Tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành chính sách thuê đất của tỉnh theo Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 6-5-2013 của UBND tỉnh. Đối với GCN đã cấp chồng đất lâm trường, trước mắt cho đăng ký cấp đổi (trong khu đo chính quy) để thống kê, phân loại và xin ý kiến của UBND tỉnh giải quyết.

Đối với công tác quy hoạch, quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản: Ý thức được trách nhiệm của ngành TN-MT trong việc tham mưu UBND tỉnh công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai lập dự án quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp của UBND tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên việc triển khai chậm tiến độ do các điều kiện khách quan như: Kinh phí được cấp không đảm bảo dự toán, trình tự thẩm định, phê duyệt quy hoạch có sự thay đổi nên tiến độ thực hiện dự án quy hoạch không đảm bảo. Sở TN-MT đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và cố gắng phối hợp với đơn vị tư vấn sơm hoàn thành dự án. 

PV

 

 

  • Từ khóa
11615

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu