Thứ 7, 20/04/2024 19:54:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 11:05, 19/05/2015 GMT+7

KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2015)

Nhớ lời Bác dạy “TNXP là trường học lớn để rèn luyện”

Thứ 3, 19/05/2015 | 11:05:00 1,886 lượt xem
BP - Những ngày tháng 5, cả dân tộc hướng đến kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, tôi đến thăm ông Nguyễn Quang Xảo ở khu phố Xa Cam II, phường Hưng Chiến, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) thị xã Bình Long. 50 tuổi đảng, 79 tuổi đời không còn tinh tường, nhưng khi kể lại kỷ niệm lần được gặp Bác Hồ ở Phủ chủ tịch 49 năm trước, mắt ông ngời lên niềm hạnh phúc, sung sướng đến khó tả...

Ông Xảo và 38 TNXP Quảng Bình trong lễ trao tặng “Vinh dự to lớn” năm 2013

Hạnh phúc trong đời

Hơn 50 năm nhưng ông Xảo vẫn còn nhớ như in từng điểm mốc lịch sử của những năm đánh Mỹ. Tháng 10-1964, Quảng Bình là địa chỉ đầu tiên bị Mỹ ném bom mở đầu chiến lược ném bom miền Bắc. Trung ương Đoàn phát động phong trào TNXP làm nhiệm vụ lấp hố bom, làm đường bảo đảm thông xe ra tiền tuyến.

Năm 1965, ông Xảo là đảng viên trẻ, Bí thư đoàn thanh niên của huyện Quảng Trạch, gia nhập TNXP, giữ chức vụ C phó C752. “Khi đi vợ tôi sinh con thứ hai được 3 tháng, Quảng Bình là tuyến đầu hứng chịu oanh tạc của máy bay và cà nông địch bắn từ biển vào nên vợ con tôi nhờ hết ông bà ngoại. Ngày lên đường, cả làng tiễn chân tràn nước mắt. Bởi TNXP chỉ biết ngày đi mà không hẹn ngày về” - ông Xảo nghẹn ngào...

Ông kể: “Tôi không nhớ ngày, nhưng đó là tháng 10-1966. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện 6 tháng ở Hưng Yên, trước khi trở lại đơn vị tôi được mời về Trung ương Đoàn. Hôm đó khoảng 19 giờ, có 2 chiếc xe ca đến Trung ương Đoàn đón 12 cán bộ TNXP (Quảng Bình 5 người, Nghệ An 5 và Thái Bình 2) về Phủ chủ tịch để gặp Chính phủ. Khi vừa đến nơi chúng tôi thấy xuất hiện người đi đầu là bác Phạm Văn Đồng, Bác Hồ đi giữa và sau là anh Vũ Quang, Bí thư Trung ương Đoàn. Bất ngờ được gặp Bác, chúng tôi quá xúc động, hồi hộp nên mặc dù Bác đã ra hiệu nhưng nhiều người cứ vỗ tay mãi. Câu đầu tiên Bác hỏi: “Các cô, các chú có muốn giải phóng miền Nam không?”. Chúng tôi đồng thanh trả lời “Có”. Rồi Bác bắt nhịp hát cùng chúng tôi bài “Giải phóng miền Nam”. Hát xong Bác ra hiệu màn hình chiếu phim vén lên, chúng tôi được xem 2 bộ phim “Sự tiến hóa loài người” và “TNXP dũng cảm cứu người, cứu phà khi bị lũ, lấp hố bom kịp để thông xe”. Xem xong Bác khen TNXP dũng cảm quá. Sau đó Bác nói “TNXP là trường học lớn, có 3 nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và học tập. Với sản xuất phải bảo đảm không để Nhà nước bù lỗ. Chiến đấu phải gan dạ, dũng cảm, không để tắc đường, bảo đảm thông xe phục vụ chiến trường. Lực lượng TNXP còn nhiều cô chú mới lớp 1, lớp 2 nên phải học để sau này có kiến thức xây dựng đất nước”. Xúc động nhất khi Bác ân cần hỏi chúng tôi cụ thể về các tiêu chuẩn lương thực, áo quần, thuốc men và sau đó TNXP được cấp thêm mỗi năm 1 bộ trang phục, nữ có thêm 2 chai cao ích mẫu/tháng”.

Nhớ lời bác dạy

Bao năm trôi qua, nhưng ông Xảo vẫn cất giữ những kỷ niệm của 6 năm TNXP vá đường, bắc cầu, phá bom nổ chậm hay nghi binh để lừa máy bay địch cho xe qua an toàn trên tuyến lửa của cung đường Quảng Bình, dù đó chỉ là những tờ giấy chứng nhận được đánh máy hoặc viết tay giản đơn, chất lượng giấy xấu đã ngả vàng hoặc giấy pơ - luya mỏng tanh. Tại khóa huấn luyện ở Hưng Yên, ông Xảo được Trung ương Đoàn tặng giấy khen ghi ngắn gọn, rõ ràng “Dũng sĩ 3 tốt, 1 giỏi xuất sắc”.

Ông Xảo xúc động: “Được gặp Bác, tôi toại nguyện và nhớ lời Bác dặn TNXP là trường học lớn để rèn luyện. Dù trên bom dưới đạn của địch phải luôn bảo đảm thông đường cho xe ra chiến trường. Về đơn vị chiến đấu, tôi không còn sợ chết...”.

 Khi về lại đơn vị, ông Xảo được giao nhiệm vụ C trưởng C752, gồm 180 đồng chí, trong đó 72 nữ. Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu ở khe núi Ka Tang, thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, là ngã ba đường 15 ra Hà Tĩnh và đường 12 đi Lào. Đây là trận địa pháo của anh hùng Nguyễn Viết Xuân đã bị địch ném bom không còn dấu tích. Theo lời Bác Hồ dạy, ông luôn động viên anh em sống đoàn kết, hết lòng phục vụ chiến trường. Ông là tấm gương đi đầu làm những nhiệm vụ nguy hiểm nhất. Kỷ niệm nhớ nhất là lần ông cảm tử ngồi bên trái bom nổ chậm. “Dù biết bom có thể nổ bất cứ lúc nào và mình sẽ bị tan xác nhưng tôi phải giữ bình tĩnh mở to radio để hai đầu anh em lấp hố bom kịp cho thông xe. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, tôi chạy được khoảng gần 2km để về lại đơn vị cũng là lúc bom nổ” - ông kể. Lần đó, ông Xảo được tặng Huy hiệu Nguyễn Văn Trỗi (nay đã tặng cho Bảo tàng TNXP ở Quảng Bình).

2 nhiệm kỳ TNXP (3 năm/nhiệm kỳ) là C trưởng C752, chuyện làm đường dưới bom, nghi binh lừa địch cho xe đi, vác đá làm cầu, viên kẹo ăn chung, lá thư cùng đọc... nhưng đến khi ra quân đơn vị của ông chỉ có 2 người hy sinh, bị thương 4 người, 5 người bị sức ép bom. Từ 3 đảng viên phát triển thêm 18 đảng viên, 100% hoàn thành chương trình THCS.

 TNXP Quảng Bình có 10 C, trong đó huyện Quảng Trạch có 4 C, mỗi C có 180-200 chiến sĩ; 2 tập thể là TNXP tỉnh Quảng Bình, C759 và 2 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Mùa xuân 2015, ông Xảo vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi đảng. Ông là Chủ tịch Hội TNXP Bình Long 2 nhiệm kỳ. Hiện TNXP Bình Long còn 118 người và luôn là đơn vị được tặng cờ thi đua xuất sắc...                           

Phương Hà

  • Từ khóa
13145

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu