Thứ 5, 28/03/2024 17:10:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:59, 25/01/2011 GMT+7

Không trồng cao su... vẫn giàu

Thứ 3, 25/01/2011 | 08:59:00 515 lượt xem

Năm 2010 gặp nhiều bất lợi về thời tiết, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi. Giá vật tư nông nghiệp, cây - con giống các loại trên thị trường luôn biến động, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phá thế độc canh của cây cao su, hồ tiêu. Người dân đang dần thay thế cách làm cũ, mô hình cũ bằng những mô hình kinh tế mới với nhiều sáng tạo có tiếp thu, chọn lọc kinh nghiệm thực tế, với các loại cây trồng như rau măng tây xanh, hoa lan, cây cảnh, cây ăn trái; nuôi cá nước ngọt, gà H’mông, nhím... thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Bưởi được chăm sóc tốt, năng suất cao cho thu về hơn 1 triệu đồng/cây/năm


Trên mảnh vườn chưa đầy 5 sào, gia đình anh Trần Thanh Định ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành) đã trồng bưởi da xanh ruột hồng và bưởi năm roi. Sau 3,5 năm bưởi cho thu hoạch, vòng đời của cây chừng 25 năm. Loại cây ăn trái này được trồng rất nhiều ở Sóc Trăng quê anh nên không khó khăn trong việc tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc. Vì vậy, anh Định quyết định trồng 70 cây bưởi để bán trái và cành chiết. Bưởi chín, thương lái đến mua tại vườn. Với giá bán hiện nay 13.000 đồng/kg bưởi và 15.000 đồng/cành chiết, mỗi năm gia đình anh Định thu về gần 100 triệu đồng. Anh cho biết: Bưởi vừa dễ trồng, dễ chăm sóc lại cho thu nhập cao nên từ chỗ khó khăn khi đến lập nghiệp trên vùng đất mới (năm 1998), nay đời sống gia đình đã ổn định.

Khác với gia đình anh Định, hộ anh Đồng Văn Nhuận ở xã Minh Hưng (Chơn Thành) lại chọn nuôi rắn ráo trâu (hay còn gọi là rắn hổ vện). Để nuôi rắn, gia đình anh đã xây khu chuồng và ngăn thành hàng trăm ô nhỏ, chiều cao 0,6m, đổ bê tông có nắp đậy. Bên trong mỗi ô được rải một lớp đất nghiền nhỏ, phơi khô làm chỗ cho rắn sinh hoạt, mỗi ô nuôi một con. Đặc biệt, rắn chỉ được nuôi vào mùa mưa. Nguồn giống được mua từ các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh với giá trung bình từ 150.000-350.000 đồng/kg. Là loại động vật thuộc dòng máu lạnh nên rắn phải được nuôi trong không gian kín gió, nếu không rất dễ mắc bệnh phổi, khó chữa. Thức ăn cho rắn chủ yếu là ếch, cóc do gia đình quây chuồng và mua về gây giống, cho ăn theo chu kỳ 4-5 ngày/lần. Rắn nuôi chừng 4 tháng là xuất bán. Với giá khoảng 600.000 đồng/kg, ước tính gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nuôi rắn ráo trâu là một mô hình mới, cho thu nhập cao nhưng người nuôi phải tuân thủ đúng kỹ thuật.

Tìm tòi cách làm hay, sáng tạo nên có rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu, cải thiện cuộc sống. Những nông dân này không ồ ạt chạy theo thị trường giá cao su, tiêu để rồi không phải vướng vào cái vòng luẩn quẩn: chặt - trồng - chặt. Nguyện vọng của nông dân hiện nay mong muốn Nhà nước có chính sách bảo hiểm nông nghiệp để nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương.

H.C

  • Từ khóa
39092

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu