Thứ 6, 29/03/2024 03:47:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:08, 31/10/2015 GMT+7

GÓP Ý SỬA ĐỔI BỘ LUẬT HÌNH SỰ:

Tội phạm trong dự thảo BLHS sửa đổi

Thứ 7, 31/10/2015 | 09:08:00 1,173 lượt xem

BP - Tại Điều 8 của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là khái niệm về tội phạm hình sự, với nội dung như sau: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do pháp nhân hoặc người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do pháp nhân hoặc người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý,... là không ổn, chưa phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay. Vì nếu chỉ quy định “pháp nhân và người” là tội phạm thì chưa đầy đủ. Vì theo quy định của pháp luật hiện hành thì “pháp nhân là một tổ chức hợp pháp, được cấp phép thành lập”. Cụ thể, theo quy định tại Điều 84 của Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2005, thì: Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: Được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Vậy đối với những tổ chức thành lập bất hợp pháp mà phạm tội thì sao? Trong thực tế hiện nay không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới cho thấy, phần lớn các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia là thành lập bất hợp pháp, không quốc gia nào cấp phép cho các tổ chức tội phạm thành lập và hoạt động.

Ví dụ như, một tổ chức được thành lập để tiến hành các hoạt động khủng bố hay buôn người, buôn bán ma túy, buôn bán nội tạng người, buôn bán vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí hóa học bị cấm... thì không bao giờ, không quốc gia nào cấp giấy phép hoạt động. Thực tế ở nước ta cũng cho thấy, có một số tổ chức được thành lập bất hợp pháp ở nước ngoài hoặc được sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch... chúng vẫn luôn tìm cách chống phá cách mạng nước ta. Thời gian gần đây, thủ đoạn, âm mưu của chúng là thực hiện “diễn biến hòa bình”. Thế nhưng trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi chỉ đề cập tới tội phạm là pháp nhân, tức là tổ chức được thành lập hợp pháp và cá nhân như trên là sẽ bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm loại tội phạm là các tổ chức được thành lập bất hợp pháp cũng là đối tượng tội phạm hình sự. Vì có quy định như vậy thì pháp luật về hình sự mới chặt chẽ, mới không còn chỗ hở để các đối tượng thù địch, kẻ xấu lợi dụng nhằm chống phá cách mạng nước ta. Đồng thời, có quy định như vậy mới có sức răn đe, ngăn cản những hành động phá hoại của những kẻ đội lốt tổ chức nhân đạo này, tổ chức tôn giáo kia...nhưng mục đích cuối cùng của chúng là phá hoại mối đại đoàn kết toàn dân tộc hoặc phá hoại về kinh tế, quốc phòng, an ninh...

Một đề xuất nữa là trong Chương 3 quy định về tội phạm của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi có đưa ra chế định “đồng phạm” tại Điều 17, với nội dung như sau: Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Như vậy, trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi vẫn quy định như ở Bộ luật Hình sự hiện hành về chế định “đồng phạm” để xử lý đối với “tổ chức tội phạm”. Trong khi đó, chế định “đồng phạm” đối với tổ chức tội phạm đã không còn phù hợp với thực tế. Thậm chí việc đưa chế định này vào chương này trở nên thừa. Ví dụ như quy định sau: Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Ai mà chẳng biết đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm, hay phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm thì ai cũng biết nên không cần phải quy định trong luật. Và chính vì quy định này cho nên không làm bật lên được nhiệm vụ ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm của Bộ luật Hình sự đối với tội phạm là pháp nhân.

N.V

  • Từ khóa
14294

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu