Thứ 5, 25/04/2024 14:35:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:15, 28/03/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Tổ hợp tác và những bất cập trong BLDS

Thứ 7, 28/03/2015 | 10:15:00 4,343 lượt xem

BP - Tại Điều 111 quy định về tổ hợp tác trong Bộ luật dân sự (BLDS) hiện hành có nội dung như sau: 1. Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự. Tổ hợp tác có đủ điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của pháp luật thì đăng ký hoạt động với tư cách pháp nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 2. Hợp đồng hợp tác có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Mục đích, thời hạn hợp đồng hợp tác; b) Họ, tên, nơi cư trú của tổ trưởng và các tổ viên; c) Mức đóng góp tài sản, nếu có; phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ viên; d) Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ trưởng, của các tổ viên; đ) Điều kiện nhận tổ viên mới và ra khỏi tổ hợp tác; e) Điều kiện chấm dứt tổ hợp tác; g) Các thỏa thuận khác.

Như vậy, xét về bản chất thì tổ hợp tác là sự kết hợp của các thể nhân thông qua hợp đồng hợp tác để tiến hành các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mặc dù căn cứ hình thành tổ hợp tác rất đơn giản, chỉ có hợp đồng hợp tác và đăng ký tại UBND cấp cơ sở nhưng lại được BLDS hiện hành coi đó là một chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật dân sự. Và chính điều này khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát về việc thu thuế của loại hình kinh doanh này, vì việc thu thuế chủ yếu dựa vào báo cáo thu chi do tổ hợp tác tự lập. Đồng thời, quy định này cũng gây khó cho cơ sở để bảo vệ lợi ích của những người lao động trong tổ hợp tác. Đó là các thành viên không được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian lao động tại tổ hợp tác. Trong thực tế cho thấy, nhiều tổ hợp tác tồn tại trên thực tế không theo quy định của BLDS. Cụ thể, có tổ hợp tác được thành lập để đứng ra vay vốn, hưởng lãi suất ưu đãi, sau đó các thành viên hoạt động riêng biệt, mỗi thành viên tự chịu trách nhiệm trong phần công việc của mình. Như vậy, quy định của BLDS về điều kiện để trở thành tổ hợp tác còn lỏng lẻo và trên thực tế không có cơ chế giám sát hoạt động của loại hình này nên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các giao dịch do chủ thể này xác lập. 

Có thể nói quy định này của BLDS hiện hành đã tạo nên một sự mập mờ về ranh giới giữa hai loại chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là pháp nhân và tổ hợp tác bằng cụm từ “đăng ký hoạt động” mà không có quy định hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của tổ hợp tác theo loại trách nhiệm vô hạn của tổ hợp tác như trước đây hay là trách nhiệm hữu hạn của pháp nhân. Việc đăng ký hoạt động với tư cách của pháp nhân là tự nguyện hay là quy định bắt buộc của pháp luật, vì phần lớn các tổ hợp tác phát triển ở quy mô lớn nhưng không muốn chuyển đổi thành pháp nhân vì muốn hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho loại hình kinh doanh này. Đây là những vấn đề rất căn bản nhưng lại bị bỏ trống trong BLDS khi quy định về tổ hợp tác. Theo tôi, trong dự thảo BLDS sửa đổi cần loại bỏ việc ghi nhận tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bởi ý nghĩa của chúng mang lại không nhiều và không thiết thực.

Vì xét về thực tiễn hay pháp luật thì việc đáp ứng được các điều kiện của pháp nhân thì các thể nhân sẽ hoạt động kinh doanh dưới hình thức pháp nhân. Còn nếu tổ hợp tác không đủ điều kiện thì chỉ cần áp dụng các quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng đã đủ điều chỉnh loại quan hệ này, mà không cần thiết phải coi đó là một chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật dân sự.

Hải Như

  • Từ khóa
12774

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu