Thứ 3, 23/04/2024 19:17:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:20, 30/04/2016 GMT+7

Chuyện gia đình

Thứ 7, 30/04/2016 | 16:20:00 268 lượt xem

BP - Mấy tháng trước, đang yên đang lành, anh rể tôi đòi ra ở riêng sau mười lăm năm sống chung trong gia đình tôi. Dẫu có hơi bất ngờ, nhưng tôi ủng hộ anh. Trong thâm tâm, tôi rất khâm phục vì anh đã “chung sống hòa bình” với ông nội và thầy mẹ tôi suốt mười lăm năm trời mà chẳng có lời ong tiếng ve nào.

Tôi là thằng con trai duy nhất trong nhà, nhưng ngoài ba mươi vẫn chưa lấy vợ nên anh rể phải thay tôi gánh vác việc lớn việc nhỏ. Dạo anh rể xin ra ở riêng, mẹ tôi buồn nhưng không nói. Còn thầy tôi giận, bỏ ăn mấy ngày liền. Chị tôi sợ thầy phát bệnh nên khóc lóc với anh rể. Tôi liền khích, anh mà thỏa hiệp là hèn! Chị tôi lấy cây chổi vụt vào lưng tôi và mắng: “đồ vô phước, mày mà sống nền nếp như con người ta, ông bà đã có cháu nội để ẵm rồi”. Tôi thật không hiểu vì sao chị tôi là một cô giáo cấp II mà lại suy nghĩ như một bà lão vậy!

Anh rể tôi không thỏa hiệp thật. Anh cương quyết bảo đã đến lúc tôi phải lấy vợ nên sớm muộn cũng phải ở riêng. Còn thầy tôi không thể nhịn ăn mãi. Bây giờ, tháng đôi ba lần, anh chị ghé thăm thầy mẹ, đợt nào bận công tác không về được thì gọi điện. Thế mà thầy tôi vẫn cứ giận hờn “cả tháng không thấy mặt thằng cả đâu!”.

Vốn là người có chữ nghĩa nên việc ma chay, cưới hỏi, cả họ đều nhờ cậy thầy tôi. Không những thế, nhà ai có chuyện bất hòa thì thầy tôi là hòa giải viên số một. Nhưng có lần thầy tôi đến khuyên bảo một người cháu họ đừng chơi cờ bạc nữa. Anh ta không nghe lời khuyên bảo của thầy tôi, lại còn móc máy: “Nhà cháu tuy hèn nhưng chưa mạt phước đến mức tuyệt tự đâu” thì thầy tôi nín lặng ra về. Từ đó, thầy tôi không còn đi nhà này động viên, nhà kia chỉ bảo cháu con như trước nữa. Ông cụ đóng cửa nằm lì trong nhà, mẹ tôi có nhắc đi chơi cho khuây khỏa thì nhấm nhẳng: “Tôi vô phước sinh ra thằng bất hiếu, có đến nhà ai cũng chỉ mang họa cho họ mà thôi!” Cũng may, gia đình tôi không phải cành trưởng trong họ. Nếu không, chắc gì tôi chịu được sức ép của cả họ để sống được đến hôm nay.

Dẫu thương thầy mẹ vô cùng, nhưng tôi chưa tìm được ý trung nhân, lòng không rung động thì làm sao tính chuyện ấy được. Nhiều lần mẹ năn nỉ bảo: Mẹ về làm bạn với thầy con lúc mười ba tuổi, mười tám có chị cả, giờ hơn bảy mươi rồi vẫn yên ấm đấy thôi!”. Tôi không thể nào giải thích cho mẹ rằng cuộc sống bây giờ khác trước. Tôi cũng không thể nói rằng sự yên ấm của gia đình tôi được đánh đổi bằng cả quãng đời chịu đựng, hy sinh của mẹ. Tôi không muốn người mình thương yêu phải chịu đựng, hy sinh đến thế. Tôi muốn nàng được ngập tràn hạnh phúc khi sống bên tôi.

Rồi tôi sẽ tìm thấy nàng, sẽ sống hạnh phúc để thầy mẹ thấy tôi không phải đồ bất hiếu. Chỉ có điều cuộc sống hôm nay là thế. Người tôi yêu có thể không phải da trắng, tóc dài, thắt đáy lưng ong, chăm lo bếp núc như mẹ tôi. Cũng có thể tôi sẽ “đổi ngôi”, chăm lo con cái để nàng rảnh tay lo việc xã hội. Tôi sẽ chứng minh với thầy mẹ rằng, hạnh phúc của tôi là hạnh phúc đích thực, giống như việc anh rể cần một không gian thật sự thoải mái cho hạnh phúc lứa đôi cùng những riêng tư gia đình nhưng vẫn không quên bổn phận làm con vậy.  

T.N

  • Từ khóa
54828

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu