Thứ 7, 20/04/2024 23:33:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:14, 04/08/2014 GMT+7

Người thầy không giáo án

Thứ 2, 04/08/2014 | 10:14:00 3,045 lượt xem
BP - Quản giáo ở các trại giam cũng được xem là người thầy trong giáo dục, cảm hóa những con người lầm lỗi. Họ không chỉ dạy văn hóa mà còn vực dậy tinh thần những người lầm đường, lạc lối, có khát vọng làm lại cuộc đời. Hai năm gắn bó với công việc, thiếu úy Phạm Xuân Ngọc, quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh quan niệm, giúp được một người tìm lại lương tri, trở về với cuộc sống đời thường, có ích cho xã hội là lương tâm và trách nhiệm của mình.

Thiếu úy Phạm Xuân Ngọc kiểm tra sổ trực trại

Thiếu úy Ngọc phụ trách quản lý những đối tượng chưa, đang xét xử và phạm nhân đang thi hành án. Đối tượng mà thiếu úy Ngọc cảm hóa thành công nhất là Trần Văn Thành, hung thủ gây ra vụ sát hại người yêu cũ rồi tự tử theo nhưng bất thành. Sau khi bị bắt vào trại tạm giam, Thành không chịu ăn uống và luôn tìm cách tự sát. Thiếu úy Ngọc đã gần gũi, nắm bắt diễn biến tâm lý và tâm sự về chuyện đời, chuyện người tốt, kẻ xấu cùng những khát vọng hoàn lương. Từ đó đã đánh thức trong Thành giá trị của cuộc sống để phối hợp tốt với công an điều tra vụ án, nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Hay trường hợp phạm nhân Trương Xuân Ba phạm tội trộm cắp tài sản. Với bản tính ngang tàng, coi thường pháp luật, thêm vào đó là sự cô đơn, bất mãn khi bị người nhà bỏ rơi, lúc vào trại, đối tượng Ba luôn thể hiện mình là “đàn anh”, gây rối, làm náo loạn buồng giam. Với phương châm giáo dục, cảm hóa là chính, kết hợp các phương pháp vừa mềm dẻo vừa cứng rắn, thiếu úy Ngọc đã cảm hóa để phạm nhân Ba nhận thức hành vi của mình là sai. Bên cạnh đó, thiếu úy Ngọc còn vận động những người cùng buồng giam chia sẻ với Ba từ vật chất đến tinh thần. Nhờ vậy, phạm nhân Ba đã chấp hành tốt các quy định của trại để phục thiện.

Trại tạm giam Công an tỉnh cũng là nơi giam giữ bị can trong các vụ án lớn, các đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. “Khi mới bị bắt, đa số phạm nhân đều có biểu hiện tâm lý bất thường, luôn tìm cách chối tội hoặc bỏ trốn. Trong thời gian này, chỉ cán bộ quản giáo và cán bộ điều tra được tiếp xúc với các đối tượng, do đó nhiệm vụ của người quản giáo rất quan trọng. Lời khai của đối tượng giúp vụ án được mở ra, không bỏ sót tội phạm. Công việc của quản giáo là quản lý phạm nhân chặt chẽ, không để họ có cơ hội tiếp xúc với các đối tượng liên quan đến vụ án để thông cung. Mặt khác, phải phân tích giúp họ nhận thức được sai lầm cũng như tin tưởng vào sự nghiêm minh và tính nhân đạo của pháp luật, từ đó thành khẩn khai báo - thiếu úy Ngọc nói về công việc của người quản giáo.

Điển hình có phạm nhân Nguyễn Thành Khôi phạm tội giết người. Khi bị bắt, Khôi tỏ ra lì lợm, không hợp tác với cơ quan điều tra. Sau khi được thiếu úy Ngọc động viên, phân tích, Khôi dần hiểu ra và thành khẩn khai báo những đối tượng có liên quan. Nhờ đó, vụ án sớm kết thúc.

Anh Cao Xuân Tiềm, Phó đội trưởng Đội quản giáo cho biết: Trong hoạt động nghề nghiệp, các cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân chỉ được dạy về phương pháp đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhưng trong thực tế, tùy tình hình của trại cũng như tâm lý đối tượng, mỗi cán bộ quản giáo phải linh động, sáng tạo để đạt kết quả cao nhất. Những nỗ lực, cố gắng của thiếu úy Phạm Xuân Ngọc đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận. Năm 2013, thiếu úy Ngọc không chỉ đạt danh hiệu chiến sĩ tiên tiến mà còn được Chủ tịch nước tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba.

Khánh Diễm

  • Từ khóa
11505

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu