Thứ 3, 23/04/2024 17:10:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:07, 09/11/2018 GMT+7

Tín hiệu vui từ hỗ trợ bò sinh sản cho hộ DTTS nghèo

Thứ 6, 09/11/2018 | 08:07:00 1,487 lượt xem
BP - Giống tốt, triển khai bài bản, chặt chẽ từ cơ sở, mô hình điểm về giảm nghèo bền vững thuộc Chương trình 135 (giai đoạn 2017-2020), thông qua hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo chăn nuôi bò sinh sản tại 5 xã của 3 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh đã tạo niềm tin, hy vọng cho các hộ dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo bền vững.

NIỀM HY VỌNG CỦA CÁC hộ nghèo

Gần trưa một ngày cuối tháng 10 vừa qua, 2 xe tải chở 20 con bò cái lai sind mới về đến UBND xã Lộc Quang (Lộc Ninh) nhưng 20 hộ nghèo, đa phần là gia đình trẻ đã đến từ sáng sớm trong niềm vui, phấn khởi vì được Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò giống để làm vốn phát triển kinh tế. Không giấu được niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt rám nắng, chị Thị Lút (1985) xúc động nói: “Nhà mình có 7 chị em. Nghèo vì đông con nên khi lấy chồng, cha mẹ không có đất chia cho các con. Chồng mình là Lâm Vơl (1983) gia cảnh khó khăn hơn vì mồ côi cha mẹ. Không có đất sản xuất, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc làm thuê bấp bênh. Nay Nhà nước hỗ trợ bò, mình đã trồng một đám cỏ làm thức ăn trong mùa khô. Vợ chồng mình mong vài năm nữa bò đẻ sẽ có đồng vốn tiết kiệm”. 

Anh Lâm Khan ở ấp Việt Tân, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh nhận bò hỗ trợ của Nhà nước

Ông Lâm Lố (1957) ở ấp Việt Tân đến nhận bò thay con gái là chị Thị Phang (1982) vì đang bị sốt. Ông Lâm Lố kể: “Vợ chồng tui chỉ có 1 đứa con nhưng vì nghèo nên khi nó lấy chồng ở riêng không có đất cho. Hiện chồng của con gái tôi đã bỏ nhà ra đi để lại 2 con thơ dại. Có con bò giống để mẹ con nó thay nhau chăm nuôi, tui mừng lắm”. 

Chủ tịch UBND xã Hoàng Anh Tính cho biết: Hiện Lộc Quang vẫn còn 286 hộ nghèo, chiếm 14,44% tổng số hộ toàn xã; 159 hộ cận nghèo, chiếm 8,44%. Là xã đặc biệt khó khăn, Lộc Quang đã được tỉnh chọn thực hiện mô hình điểm xóa nghèo bền vững năm 2018. UBND xã đã phối hợp các thôn, ấp bình xét đúng đối tượng được hưởng. Để mô hình đạt hiệu quả cao, cán bộ thú y xã phối hợp các ấp tập huấn cho bà con về kỹ thuật chăm nuôi, phòng bệnh cho bò. Các hộ đều phải cam kết với UBND xã sau khi nhận bò: Không được bán, sang nhượng cho người khác; làm chuồng có mái che, nền cứng; có lao động chăm sóc bò, trồng, cắt cỏ cho bò ăn. Xã sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát nếu hộ nào vi phạm cam kết  sẽ thu hồi bò hoặc quy ra tiền trả lại (nếu đã bán) và không được hưởng các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS của Nhà nước. Cán bộ thú y xã sẵn sàng tư vấn chăm nuôi, phòng bệnh cho bò khi bà con cần.

“TRAO CẦN CÂU” ĐỂ  THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG

Chủ tịch UBND xã Lộc Quang Hoàng Anh Tính cho biết thêm, hiện Lộc Quang đã hoàn thành 10/19 tiêu chí chương trình xây dựng nông thôn mới. 9 tiêu chí còn lại ngoài khó khăn cần vốn đầu tư lớn thì giảm nghèo còn gian nan do các hộ dân không có hoặc thiếu đất sản xuất. 20 hộ được Nhà nước cấp bò lần này, trong đó 16 hộ độ tuổi dưới 40, nghèo đều do không có đất sản xuất. Các hộ đều là mong muốn được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản để làm vốn.

Ở xã Lộc Quang, các hộ được nhận bò nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ bị thu hồi bò

Cũng như xã Lộc Quang, đời sống của đồng bào DTTS ở xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) còn nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh thông tin, Lộc Khánh còn 3 ấp trong vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chiếm 15,75% (244 hộ); cận nghèo 265 hộ. 15 hộ được Nhà nước hỗ trợ bò giống lai sind trong tháng 10-2018 đều thuộc diện DTTS nghèo thiếu đất sản xuất nên họ rất phấn khởi. Sau khi nhận nuôi, nhiều hộ phản ánh về UBND xã là bò khỏe, dễ nuôi nên càng hy vọng sẽ gây dựng được kinh tế.

Ông Ma Ly Phước, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Chính sách hỗ trợ hộ nghèo DTTS phát triển kinh tế của Chương trình 135 gồm cấp dụng cụ sản xuất, phân bón, cây - con giống. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, cấp bò Chương trình 135 được giao về các huyện chủ yếu là bò cỏ, chất lượng không đồng đều, hoặc cấp dụng cụ sản xuất, phân bón không phù hợp với nhiều hộ vì họ không có vườn rẫy...; thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các thôn, ấp, xã vùng đặc biệt khó khăn Chương trình 135, giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án thực hiện mô hình điểm về giảm nghèo bền vững; giao Ban Dân tộc tỉnh trực tiếp thực hiện thông qua việc hỗ trợ bò sinh sản lai sind có chất lượng tốt cho hộ DTTS nghèo. Theo đó, năm 2017, mô hình đã triển khai ở 2 xã Đắk Nhau và Đường 10 (Bù Đăng), với 24 con bò/24 hộ. Theo thông tin của các xã, đàn bò phát triển tốt, trong đó có con đã mang bầu.

Năm 2018, mô hình được thực hiện ở 3 xã của 2 huyện gồm: Đắk Ơ, huyện  Bù Gia Mập 24 con bò sinh sản/24 hộ DTTS nghèo và huyện Lộc Ninh gồm 2 xã Lộc Khánh (15 con/15 hộ), Lộc Quang (20 con/20 hộ). Ông Ma Ly Phước khẳng định: Hỗ trợ bò sinh sản là “trao cần câu” để thoát nghèo bền vững, góp phần giải quyết khó khăn trong lao động sản xuất và sinh hoạt của các hộ DTTS nghèo. Từ đó, từng bước đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS.

Phương Hà

  • Từ khóa
1472

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu