Thứ 4, 24/04/2024 22:43:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:49, 17/05/2020 GMT+7

Tín hiệu vui chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào DTTS

Thanh Nga
Chủ nhật, 17/05/2020 | 15:49:00 252 lượt xem
BPO - Đã từ lâu, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện Bù Đăng không còn đến thầy lang, thầy cúng bắt ma khi mắc bệnh. Thay vào đó, họ chủ động tới bệnh viện, các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Đây là tín hiệu vui trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân vùng đồng bào DTTS tại Bù Đăng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nguồn nhân lực vùng DTTS, xây dựng địa phương phát triển.

Đồng bào DTTS đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng

Thôn 7, xã Đoàn Kết có 174 hộ dân với trên 800 người, đa phần là đồng bào S’tiêng, Mơnông và Khơme. Thu nhập chủ yếu của họ dựa vào đi làm thuê. Khi hết mùa, họ nhận hạt điều về bóc vỏ lụa kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây đã rất ý thức trong chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, đồng thời giữ gìn đường làng, ngõ xóm, nhà cửa sạch sẽ.

Bà Thị Dố (SN1957) có 6 người con. Chồng mất từ năm 1993, bà một mình nuôi các con khôn lớn. Đã thành thói quen, mỗi sáng khi thức dậy, bà quét sân, nấu cơm và đun nước sôi để uống, còn con gái lau và dọn dẹp nhà cửa. Chính vì vậy, căn nhà dù nhỏ nhưng luôn sạch và mát mẻ. Bà Thị Dố cho biết: Lúc chồng mất, các con còn rất nhỏ. Tuy một mình bươn chải rất vất vả nhưng tôi luôn cố gắng chăm sóc các con. Nay các con đã lập gia đình hết, nhưng hằng ngày tôi vẫn quen dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc mấy đứa cháu không để bị bệnh.

Bà Nguyễn Mỹ Dung, cán bộ y tế thôn bản xã Đoàn Kết cho biết: Hiện nay, đồng bào DTTS ý thức rất cao trong chăm lo sức khỏe bản thân, gia đình. Khi có bệnh là họ đến các trung tâm y tế để khám và chữa trị, chứ không ở nhà tự cúng, tự chữa bệnh như trước. Sự thay đổi này là kết quả tuyên truyền của các cấp, ban, ngành cùng với sự đầu tư mạng lưới y tế cơ sở.

Hiện nay, công tác vệ sinh phòng bệnh trong vùng đồng bào DTTS đã có chuyển biến tích cực. Việc chữa bệnh bằng lá cây gần như đã không còn, đồng bào luôn chủ động đến các trung tâm y tế để khám chữa bệnh. Năm 2019, Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng tiếp nhận và điều trị cho 227.016 lượt người. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, đã có 2.851 lượt đồng bào DTTS đến thăm khám và điều trị. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh,
Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng

Là thế hệ trẻ, được tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn nên việc chăm sóc sức khỏe của các thành viên gia đình chị Thị Hơ Rút ở thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn không giống trước đây. Khi con trai 4 tuổi bị đau bụng, chị Hơ Rút liền đưa con đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng để các bác sĩ siêu âm, theo dõi. Chị Hơ Rút cho biết: Con trai bị đau bụng, không chịu ăn, uống sữa nên em đưa con đến bệnh viện khám. Các bác sĩ chẩn đoán con chỉ bị đau bụng trong thời tiết chuyển mùa, không nghiêm trọng nên cho thuốc uống và tư vấn cụ thể. Nhờ vậy, em yên tâm, chứ ở nhà tự chữa sợ con bệnh nặng thêm.

Hiện nay, đồng bào DTTS cũng không còn quan niệm “trời sinh voi, sinh cỏ” mà họ đã ý thức chăm sóc sức khỏe từ lúc mang thai đến khi con ra đời và phát triển theo từng giai đoạn. Bác sĩ chuyên khoa I Ka Thị Thúy, Khoa Sức khỏe sinh sản, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Với phụ nữ có thai, họ cũng chủ động đến các cơ sở y tế để khám, siêu âm và theo dõi định kỳ, qua đó bổ sung thêm sắt và canxi để bổ máu và giúp thai nhi phát triển tốt. Lúc sinh, họ đến trung tâm y tế để đảm bảo sức khỏe của mẹ và con. Hiện nay, việc nuôi con nhỏ của đồng bào đã tuân thủ các quy định của ngành y tế, họ đưa con đi chích ngừa đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, đồng thời bổ sung vitamin và các chất để bé phát triển mạnh khỏe.

  • Từ khóa
63887

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu