Thứ 5, 28/03/2024 21:48:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:46, 07/11/2019 GMT+7

Tìm lối đi riêng từ tiện gỗ gia công

Thứ 5, 07/11/2019 | 08:46:00 1,076 lượt xem
BP - Trong khi nhiều thanh niên nông thôn đang tìm việc tại các thành phố lớn hoặc đến các nhà máy, khu công nghiệp làm việc thì anh Mai Ngọc Trường (1984), ngụ ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú vẫn quyết tâm ở lại quê nhà, tìm lối đi riêng để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương với cơ sở tiện gỗ gia công.

Sau khi rời ghế nhà trường, với mong muốn có được việc làm để ổn định cuộc sống, anh Trường đi học hỏi nhiều nơi để tìm công việc phù hợp. Anh đã có nhiều năm làm cửa sắt trước khi mở xưởng tiện gia công tại nhà. Anh Trường cho biết: Dù đã có thu nhập khá nhưng tôi muốn tìm công việc ổn định và ở gần nhà để tiện chăm sóc cha mẹ già. Sau khi tham khảo thị trường, nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm bằng gỗ ngày càng tăng, anh quyết tâm học và làm nghề tiện gỗ. Được bạn bè giới thiệu, anh đã đi học nghề ở Đắk Nông. Tại đây, anh học được nhiều điều, tiếp xúc với nhiều thợ giỏi, từ đó giúp nâng cao tay nghề. Chỉ sau một thời gian, anh đã nắm những kiến thức cơ bản, làm ra các sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp... Với kinh nghiệm tích lũy được cùng chút vốn, anh trở về quê và vay thêm anh em, bạn bè mở xưởng tiện gỗ tại nhà.

Anh Mai Ngọc Trường ở ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến (Đồng Phú) với sản phẩm tiện gỗ gia công của gia đình

Khi mới hoạt động, quy mô xưởng còn nhỏ, lại thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị, sản phẩm anh làm ra chủ yếu dựa trên đơn đặt hàng của người thân và một số người dân trong xã. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự nỗ lực của bản thân, chịu khó tìm tòi, học hỏi từ bạn đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm, đưa ra ý tưởng mới cho các sản phẩm của xưởng thêm độc đáo và lạ mắt. Với những nỗ lực thay đổi mẫu mã, trăn trở tìm kiếm, đầu tư thời gian và tâm huyết, các sản phẩm của anh dần được trau chuốt, đa dạng hơn và được nhiều khách hàng ưa chuộng, lựa chọn.

Khi dần ổn định, anh đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay cơ sở sản xuất của gia đình anh ngày càng phát triển, sản phẩm đa dạng về mẫu mã và chủng loại như bình bông, lục bình, tì bà, đồ thờ cúng... Anh cũng đầu tư thêm nhiều thiết bị phục vụ sản xuất như: Máy cưa, máy nén khí để phun sơn, các loại máy bào, khoan, đánh bóng gỗ... “Không như những nghề khác, nghề tiện gỗ đòi hỏi phải kiên trì, có sự sáng tạo và nhạy bén ở người thợ để thổi hồn vào tác phẩm, đưa khối gỗ vô tri trở nên sống động và có hồn” - anh Trường cho hay.

Ngay ngày đầu khởi nghiệp, anh đã xác định phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ mẫu mã đến chất liệu, anh đều cẩn trọng để sản phẩm hoàn thiện nhất. Trung bình mỗi ngày anh có thể làm được từ 3-4 cặp bình bông. Với giá thành hợp lý nên sản phẩm của anh khách hàng đến từ nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh như Bình Long, Bù Đăng, Phước Long, TP. Hồ Chí Minh... tìm mua.

Thời gian bận rộn nhất trong năm là vào khoảng từ tháng 10 âm lịch, bởi lúc này cơ sở tập trung chuẩn bị phục vụ thị trường tết nên rất nhiều khách đặt hàng. Với nghề tiện gỗ gia công đã đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm cho gia đình anh và giải quyết việc làm cho 2 lao động thường xuyên tại địa phương. Anh Trường chia sẻ: Bí quyết tạo nên thành công của tôi ngày hôm nay chính là niềm đam mê với nghề. Sản phẩm của xưởng tôi làm ra luôn bảo đảm chất lượng, mẫu mã được khách hàng đánh giá cao.

Dám nghĩ, dám làm, không chỉ anh Trường mà còn nhiều thanh niên ở huyện Đồng Phú đã vươn lên phát triển kinh tế từ chính làng quê mình. Những mô hình kinh tế thanh niên không chỉ góp sức làm giàu quê hương, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương mà còn cổ vũ tích cực phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp” ngày càng lan tỏa rộng khắp.

Minh Hiền

  • Từ khóa
38564

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu