Thứ 5, 28/03/2024 19:57:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:36, 10/02/2016 GMT+7

Dòng họ Cao hiếu học ở Thanh An

Thứ 4, 10/02/2016 | 08:36:00 3,046 lượt xem
BP - Có một dòng họ dù ở xa quê hương, đất tổ nhưng nối tiếp truyền thống hiếu học của cha ông, ai cũng đoàn kết, giúp đỡ, bảo ban con cháu học hành tấn tới. Đó là dòng họ Cao ở xã Thanh An (Hớn Quản). Hằng năm vào ngày giỗ tổ, những con em có thành tích tốt trong học tập được dòng họ tuyên dương, khen thưởng, báo công trước tổ tiên. Qua đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi và chuyện học từ lâu đã trở thành nền nếp trong mỗi gia đình nơi đây.

Gia đình trưởng tộc Cao Cự Chuân là gia đình hiếu học tiêu biểu nhiều năm liền của huyện Hớn Quản

Tự hào về nguồn cội

Họ Cao ở xã Thanh An có nguồn gốc từ làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Nho Lâm có tên từ thời nhà Nguyễn, nghĩa là rừng nho (cũng có thể hiểu là rừng chữ nho), ngụ ý là có nhiều người học hành và đỗ đạt. Xã Diễn Thọ - một vùng đất không rộng nhưng có hơn 100 nhà thờ lớn nhỏ, trong đó có 3 nhà thờ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngôi nhà thờ đầu tiên được công nhận di tích vào năm 1995 là nhà thờ họ Cao, thờ vị thủy tổ Cao Lỗ - một vị tướng kiệt xuất của Thục phán An Dương Vương hơn 2300 năm trước. Nếu Nho Lâm từ lâu được mệnh danh là làng “khoa bảng”, nổi tiếng về truyền thống hiếu học trong cả nước thì dòng họ Cao là điển hình của ngôi làng này. Từ xa xưa đã có rất nhiều người họ Cao có cội nguồn ở làng Nho Lâm đậu khoa bảng được khắc vào bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (TP. Hà Nội), như thám hoa Cao Quýnh (SN1475), tiến sĩ Cao Cử (SN1646), tiến sĩ Cao Dương Trạc (SN1715), tiến sĩ Cao Đăng Đệ (SN1876), phó bảng Cao Huy Tuân (SN1879)... Gần đây nhất, người làm nên tự hào cho dòng họ Cao ở làng Nho Lâm chính là em Cao Ngọc Thái, học sinh lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) đã đoạt huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế 2014 với số điểm vượt ngưỡng 11,7. Thái đạt điểm thi cao thứ 3 thế giới sau 2 thí sinh người Trung Quốc.

Hiện nay, con cháu dòng họ Cao thành đạt ở nhiều lĩnh vực, như tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Thượng tướng Cao Đăng Chiến, Trung tướng Cao Thượng Lương, Anh hùng Lao động Cao Bá Tuyết, Anh hùng quân đội Cao Duy Thuần, Cao Tất Đắc; giáo sư, tiến sĩ Cao Cự Bội, Cao Tiến Huỳnh; nhạc sĩ Cao Việt Bách... đó là những tấm gương sáng để con cháu họ Cao học tập, noi theo.

Học giỏi để làm giàu

Sau khi đất nước giải phóng, các thế hệ con cháu dòng họ Cao rời quê hương, đất tổ vào vùng đất mới lập nghiệp. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, trên địa bàn xã Thanh An và một số xã lân cận có khoảng 20 hộ là con cháu nội, ngoại dòng họ Cao sinh sống với 8 chi, nhánh, đến nay phát triển lên 100 hộ. Tuy thời gian, vị trí địa lý khác nhau nhưng đều có cội nguồn từ làng Nho Lâm nên các thế hệ con cháu họ Cao nhanh chóng hội tụ, chung tay góp sức xây dựng dòng họ ngày càng vững mạnh. Năm 1998, lần đầu tiên dòng họ tổ chức nhóm họp, nhất trí đóng góp xây dựng từ đường Cao Đại Tôn tại thôn An Hòa, xã Thanh An và chọn ngày mồng 10-2 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ tổ. Dòng họ bầu ban trị sự gồm 5 thành viên, mỗi thành viên vừa phụ trách mỗi chi, nhánh vừa đảm nhiệm một lĩnh vực của dòng họ, như khuyến học, hậu cần - khánh tiết, đối ngoại, vận động.

Định kỳ hằng năm, vào cuối vụ điều và đầu mùa khai thác cao su, người dân thôn An Hòa, xã Thanh An lại thấy con cháu dòng họ Cao khắp nơi quy tụ về từ đường. Mỗi người đảm trách một công việc, học hàm, học vị khác nhau, có người làm ăn, học tập xa, thậm chí ở cả nước ngoài nhưng dù ở đâu, đi đâu, làm gì thì đến ngày mồng 10-2 họ vẫn hướng về quê cha, dòng tộc. “Chim có tổ, người có tông”, đó là đạo lý làm người mà các thế hệ dòng họ Cao dày công trao truyền và giáo dục con cháu.

Ông Cao Tiến Hải, thành viên ban trị sự dòng họ cho biết: Để xây dựng dòng họ vững mạnh thì việc làm đầu tiên của chúng tôi là chung tay đưa kinh tế từng hộ phát triển ổn định. Ban đã vận động thành lập quỹ xóa nghèo, giúp những hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, dòng họ đã xây dựng được quỹ hơn 100 triệu đồng, mỗi năm giúp 5-10 hộ vay phát triển kinh tế. Nhiều năm nay, con cháu dòng họ Cao trên địa bàn xã Thanh An không còn hộ nghèo, phần lớn là hộ khá, giàu có thu nhập từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Điển hình là các hộ Cao Văn Hùng, Cao Cự Thắng, Cao Cự Chức, Cao Cự Sinh...

Tiêu biểu trong toàn tỉnh

Nhằm góp phần “truyền lửa” cho phong trào học tập và giúp đỡ các cháu khó khăn có điều kiện đến trường, dòng họ đã xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Quỹ được trích từ tiền đóng góp trong ngày giỗ và của các con cháu thành đạt. Ngày giỗ tổ, các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập và đỗ đạt cao vinh dự được ban trị sự dòng họ gửi thư mời đến lĩnh thưởng và dự tiệc. Tại lễ trao thưởng, các cháu được bác trưởng tộc biểu dương thành tích học tập trước dòng họ, bàn thờ tổ tiên, đồng thời được nghe giới thiệu về truyền thống hiếu học, nguồn gốc dòng họ. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng việc tổ chức trao thưởng đúng ngày giỗ tổ hướng con cháu làm người phải có ý chí phấn đấu, nhớ về cội nguồn, tổ tiên và nhận biết vị trí của mình trong dòng họ. Từ năm 1998 đến nay, dòng họ Cao ở xã Thanh An đã tổ chức 17 lần giỗ, mỗi lần phát thưởng cho 25-30 em có thành tích học tập, rèn luyện tốt. Các em chính là niềm tự hào của gia đình, là những “mầm xanh” của dòng họ, trở thành gương sáng cho mọi người noi theo.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc học, ngoài tổ chức khen thưởng, những năm qua, dòng họ Cao còn tranh thủ dịp lễ, tết khi các gia đình sum họp, quây quần bên nhau để tuyên truyền, vận động chăm lo con em học tập, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay của từng hộ. Thông hiểu nhau, cùng chung mục đích, các hộ đều đăng ký xây dựng gia đình hiếu học. Từ đó nhiều em đã vượt qua hoàn cảnh vươn lên học tập tốt, không chỉ là học sinh giỏi của trường mà còn đoạt được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh... Từ nhiều năm qua, trong tâm trí của con em họ Cao không còn khái niệm bỏ học, mà phấn đấu ít nhất phải tốt nghiệp THPT. Đến nay, dòng họ Cao ở Thanh An có gần 40 người trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học, trong đó có 2 thạc sĩ, 1 tiến sĩ. Dòng họ Cao cũng ghi nhận 17 gia đình hiếu học các cấp, tiêu biểu như các gia đình trưởng tộc Cao Cự Chuân, Cao Khắc Thời, Cao Thị Sâm, Cao Tiến Hải, mỗi hộ có 2-3 con trình độ đại học, cao đẳng và đều có việc làm ổn định. Dòng họ Cao ở Thanh An trở thành dòng họ hiếu học tiêu biểu của tỉnh Bình Phước. 

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
53499

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu