Thứ 6, 29/03/2024 15:12:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:15, 11/01/2019 GMT+7

Tìm giải pháp cứu cây tiêu

Thứ 6, 11/01/2019 | 07:15:00 347 lượt xem
BP - Đoàn công tác liên ngành tỉnh, gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh vừa có chuyến khảo sát đánh giá tình hình diễn biến dịch bệnh trên cây tiêu tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập.

Theo báo cáo của UBND xã Đắk Ơ, toàn xã hiện có 1.540 ha hồ tiêu. Trong 2 năm trở lại đây, bệnh chết nhanh và chết hàng loạt trên cây tiêu diễn biến nhanh, mức độ thiệt hại nặng với trên 50% diện tích (798,74 ha) cây bị nhiễm bệnh. Trong đó, tỷ lệ dịch bệnh từ 30-70% vườn là 347,32 ha; diện tích bị dịch bệnh trên 70% vườn là 268,16 ha. Hiện nhiều vườn tiêu bị dịch bệnh không thể cứu được, có vườn chết đến 100%. Nông dân bất lực không thể tái canh, cũng không thể cải tạo đất để trồng cây khác vì cạn vốn và gánh nặng nợ ngân hàng. Nhiều hộ buộc phải treo bảng bán đất, bán nhà để trả nợ.

Qua khảo sát thực tế, thạc sĩ Thân Quốc An Hạ, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) cho biết, để trị được bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu cần phải có quy trình, giải pháp tổng hợp, gồm: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phương pháp canh tác như thế nào và quan trọng hơn là cần nghiên cứu xem thổ nhưỡng có thích hợp để trồng tiêu hay không. Mặc dù có nhiều sách, báo, tài liệu cho rằng cây tiêu dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất, nhưng thực tế không phải vậy. Nếu đất không tơi xốp, úng nước, tầng đất mặt mỏng, nghèo dinh dưỡng thì không thể trồng tiêu. Nếu trồng thì dù trong 2 năm đầu cây phát triển tốt, nhưng đến năm thứ 3 trở đi bộ rễ sẽ ăn sâu hơn mà tầng đất mặt lại mỏng làm cản trở sự phát triển của bộ rễ. Lúc này, tuyến trùng và nấm bệnh có sẵn trong đất xâm nhập làm cây vàng úa dần. Khi tuyến trùng ăn hết rễ thì toàn bộ cây tiêu sẽ chết rũ.

Bà Nguyễn Thị Lý ở đội 2, thôn 9, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) trao đổi với lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trong vườn tiêu chỉ còn trơ trọi nọc do dịch bệnh hại câyBà Nguyễn Thị Lý ở đội 2, thôn 9, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) trao đổi với lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trong vườn tiêu chỉ còn trơ trọi nọc do dịch bệnh hại cây

Cũng theo thạc sĩ Thân Quốc An Hạ, để cải tạo đất nhiễm bệnh, nông dân có thể rải vôi hoặc sử dụng các thuốc khử trùng có nguồn gốc hóa học hoặc sinh học để diệt tuyến trùng hoặc mầm bệnh có sẵn trong đất. Đối với các vườn tiêu bị tuyến trùng gây bệnh với tỷ lệ thấp thì nhà vườn buộc phải dùng thuốc chữa trị để cứu cây tiêu. Đồng thời xem lại hệ thống thoát nước tốt hơn vào mùa mưa. Cách 2 hàng tiêu nên đào một mương sâu 70cm để thoát nước. Cách làm này còn có thể hạn chế sự nhiễm bệnh và ngăn chặn sự lây lan của tuyến trùng. Ông Thân Quốc An Hạ khuyến cáo nông dân không nên tiếp tục trồng tiêu lại đối với các vườn có tỷ lệ hồ tiêu chết trên 70%.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Anh Dũng cho rằng: Bình Phước có diện tích trồng tiêu tương đối lớn. Nhưng hiện nay không chỉ các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập mà kể cả Bù Đăng, Lộc Ninh, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu cũng diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình dịch bệnh phá hại cây tiêu, người làm khoa học phải tiên phong đi trước, có kết quả nghiên cứu cần nhanh chóng chuyển giao cho ngành nông nghiệp, hội nông dân để định hướng nông dân. Qua chuyến khảo sát này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ mong muốn các nhà khoa học cũng như ngành hữu quan cần có nghiên cứu đánh giá và đưa ra khuyến cáo giúp nông dân biết chất đất như thế nào thì thích hợp trồng tiêu, đất nào thích hợp với các loại cây trồng khác. Tránh để nông dân phát triển, mở rộng diện tích cây trồng một cách ồ ạt, không theo quy hoạch, định hướng của ngành chức năng.

Ông Hà Anh Dũng cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ đang đặt hàng các nhà khoa học, làm sao giúp tỉnh nghiên cứu đề tài có thể ứng dụng biện pháp sinh học để phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu. Trước mắt, qua chuyến khảo sát này, nhà khoa học có thể tìm ra giải pháp trị bệnh, chứ không phải đợi khi có kết quả nghiên cứu mới đưa ra được giải pháp cứu cây tiêu.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ năm 2013 đến nay, diện tích hồ tiêu của tỉnh tăng quá nhanh. Trong 2 năm trở lại đây, nhiều vườn tiêu trong tỉnh bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt là do nhiều nguyên nhân như: Tiêu trồng trên đất không phù hợp; nông dân không tuân thủ quy trình chăm sóc; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm tình hình dịch bệnh phát triển... Vì vậy, khuyến cáo nông dân không nên tái đầu tư trồng tiêu tại những vườn có tỷ lệ thiệt hại do dịch bệnh từ 30-70%. Đồng thời, đề nghị chính quyền xã Đắk Ơ có báo cáo công bố dịch bệnh và kiến nghị kịp thời giúp nông dân được ngân hàng khoanh nợ, có điều kiện ổn định cuộc sống. 

Hương Bình

 (Sở Khoa học và Công nghệ)

  • Từ khóa
39741

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu