Thứ 6, 19/04/2024 22:13:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:48, 25/06/2020 GMT+7

Tìm chỗ đứng cho kinh tế tập thể thanh niên - Bài 1

Cẩm Liên
Thứ 5, 25/06/2020 | 06:48:00 482 lượt xem
BPO - Những năm gần đây, kinh tế tập thể trong thanh niên đang dần phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho thanh niên; từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế tập thể thanh niên trong tỉnh vẫn chưa phát triển đồng đều giữa các huyện, thị xã, thành phố và đang có tình trạng mạnh ban đầu, giảm dần và có nguy cơ tạm ngưng hoạt động, giải thể sau một thời gian ngắn đăng ký thực hiện.

LỰA CHỌN LOẠI HÌNH PHÙ HỢP VỚI BÌNH PHƯỚC

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của kinh tế tập thể đối với thanh niên, nhất là khu vực nông thôn. Hiện nay, ở Bình Phước đang duy trì 6 hợp tác xã, 35 tổ hợp tác và nhiều đội, nhóm phát triển kinh tế của thanh niên. Con số này chưa nhiều so với các tỉnh, thành phố khác, song đã giúp thanh niên Bình Phước trang bị kỹ năng, kiến thức phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình và được sống trong ngôi nhà chung của tổ chức.

LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP CHIẾM ƯU THẾ

Thực hiện Kế hoạch số 246-KH/TU ngày 21-9-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Quyết định số 2055/QĐ-UBND ngày 22-9-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020; từ năm 2015, Tỉnh đoàn đã ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh về việc phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể. Theo số liệu thống kê của Tỉnh đoàn, nhiệm kỳ 2012-2017, kinh tế tập thể thanh niên trong tỉnh thể hiện rõ nét cả về số lượng và chất lượng từ vùng đô thị đến nông thôn với sự phát triển của 3 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh có 6 hợp tác xã, 35 tổ hợp tác thanh niên và 81 câu lạc bộ, đội, nhóm khởi nghiệp. Hầu hết các hợp tác xã, tổ hợp tác hay mô hình kinh tế nhóm thanh niên đều tập trung nhiều ở lĩnh vực nông nghiệp. Một số ít tổ hợp tác lĩnh vực in quảng cáo, thương mại - dịch vụ, du lịch…

Ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Lộc Ninh

Anh Nguyễn Văn Cần, Phó bí thư Thị đoàn Bình Long, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thị xã cho biết: Bình Long đã thành lập và duy trì hoạt động 1 hợp tác xã và 16 tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế với 83 thành viên, chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, như: Tổ hợp tác chăn nuôi dê; nuôi bò; nuôi gà thả vườn; dưa lưới công nghệ cao; trồng cây có múi; dịch vụ nghề nghiệp... mang lại thu nhập cho các thành viên từ 5-7 triệu đồng/tháng. Nhiều tổ hợp tác đã tạo được chỗ đứng vững chắc và đem lại thu nhập cao cho thành viên.

Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Thanh Lương do anh Nguyễn Minh Hậu làm chủ nhiệm đã duy trì hoạt động hiệu quả. Mỗi năm các thành viên trong tổ đều có thu nhập ổn định từ 40-100 triệu đồng. Bằng cách trao tặng 2 con dê giống cho 1 hội viên mới tham gia tổ, hỗ trợ 4 con dê giống cho thanh niên nuôi lấy dê con, hỗ trợ thành viên trong tổ và hộ nuôi dê trên địa bàn 2 tháng thức ăn (lá keo), xử lý dê khó sinh cho các thành viên và hộ nuôi trên địa bàn..., Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Thanh Lương đã đem lại sự tin tưởng trong mỗi hộ chăn nuôi dê ở khu vực. Từ đó, gia đình thanh niên nuôi dê có nhu cầu được vào tổ chức ngày càng cao.

Từ năm 2016 đến nay, anh Nguyễn Văn Lịch, Phó bí thư Đoàn xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập vẫn duy trì, phát triển nuôi hươu sao lấy nhung và hươu sinh sản. Mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 200 triệu đồng. Với sự bao tiêu sản phẩm an toàn, cách làm kinh tế này đã thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ trên địa bàn huyện biên giới. Hiện Tổ hợp tác nuôi hươu sao lấy nhung và hươu sinh sản đã tăng số lượng lên 50 con từ 5 thành viên là những thanh niên nòng cốt ở nông thôn Bù Gia Mập. Tổ hợp tác không chỉ phát triển phù hợp với điều kiện đặc điểm vùng mà còn góp phần thay đổi nhận thức, đời sống cho thanh niên huyện biên giới.

TỔ HỢP ĐA NGHỀ

Khác với những hợp tác xã, mô hình kinh tế tập thể thanh niên trên địa bàn, anh Vũ Thanh Lượng (32 tuổi), Phó bí thư Đoàn phường An Lộc, TX. Bình Long, Chủ nhiệm Tổ hợp tác dịch vụ nghề nghiệp thanh niên phường An Lộc lại tập hợp, đoàn kết những thanh niên đã có nghề nghiệp ở các lĩnh vực xây dựng, cơ khí, điện nước, nhôm kính; chăm sóc cây cảnh, dọn vệ sinh và dịch vụ chuyển nhà. Thành lập từ tháng 6-2019 với 8 thành viên, đến nay tổ hợp tác đã phát triển lên 15 thành viên. Không đi theo mô tuýp dựa vào lĩnh vực nông nghiệp, các thành viên Tổ hợp tác dịch vụ nghề nghiệp thanh niên phường An Lộc hỗ trợ nhau trong nhiều ngành nghề.

Tổ hợp tác chăn nuôi dê kết hợp trồng trọt do anh Phạm Minh Hậu làm chủ nhiệm ở xã Thanh Lương, TX. Bình Long thu hút sự quan tâm của thanh niên trong và ngoài vùng đến học tập kinh nghiệm

Anh Lượng chia sẻ: Là Chủ nhiệm Tổ hợp tác, lại là cán bộ Đoàn phường, tôi chịu trách nhiệm chính trong kết nối nguồn hàng cho thành viên tổ. Do đó, năm 2019, tôi thực hiện hợp đồng với UBND phường An Lộc xây dựng 26 căn nhà, các thành viên tổ nhận thêm 3-4 căn nhà cấp 4 ở bên ngoài để tất cả thành viên trong tổ đều có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Trước đây, các thành viên đi làm thu nhập trung bình khoảng 5-7 triệu đồng. Từ ngày tham gia tổ hợp tác, thu nhập mỗi thành viên tăng lên trung bình từ 7-10 triệu đồng, có tháng tùy công trình thu nhập cao gấp đôi. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tổ cũng đã nhận nhiều công trình cơ khí, sửa chữa nhà, điện, cắt tỉa cây cảnh. Chúng tôi còn kết nối với tổ chức đoàn thanh niên thị xã, mỗi khi các đoàn cơ sở trên địa bàn thực hiện công trình đèn đường chiếu sáng, tổ hợp tác lại có thêm việc để làm. Do đó, ngoài nâng cao thu nhập cho thanh niên trong vùng, tổ hợp tác còn là môi trường thuận lợi để đoàn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức hội.

Người dân nước bạn Lào tham quan, học tập mô hình nuôi dê của thanh niên Bình Phước

Các cấp bộ đoàn từng ngày khẳng định vai trò, trách nhiệm trong hỗ trợ thanh niên xây dựng mô hình, đầu tư sản xuất. Đặc biệt, trong giai đoạn quốc gia khởi nghiệp hiện nay cần tăng cường thêm kênh tư vấn chính sách về khởi nghiệp cho thanh niên và hỗ trợ lựa chọn các sản phẩm tham gia chương trình OCOP mang đậm bản sắc, đặc trưng của địa phương.

  • Từ khóa
83070

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu