Thứ 5, 28/03/2024 19:18:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:56, 19/06/2018 GMT+7

Tiếp sức thanh niên làm giàu

Thứ 3, 19/06/2018 | 13:56:00 527 lượt xem
BP - Quản lý 2 tỷ đồng do Công ty TNHH cây xanh Công Minh (Đồng Xoài) tài trợ, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thị xã Đồng Xoài đang tiếp sức hiệu quả đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, phát triển mô hình kinh tế.

Hoạt động từ tháng 1-2018, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thị xã Đồng Xoài đã giải ngân 470 triệu đồng cho 3 dự án phát triển kinh tế của các thanh niên Mai Thế Tâm (xã Tiến Thành), Đỗ Thế Chiên (phường Tân Đồng) và Nguyễn Công Chánh (phường Tân Xuân).

ĐAM MÊ NGHỀ NÔNG

Giữa trưa một ngày đầu tháng 6, chúng tôi đến thăm trại chăn nuôi bò, trùn quế của thanh niên Mai Thế Tâm (24 tuổi) tại xã Tân Thành. Ngoài làm kinh tế khá, Tâm còn là Phó bí thư Chi đoàn năng động ấp 1B, xã Tiến Thành.

Tại khu trại chăn nuôi, chúng tôi được mẹ của ông chủ trẻ này cho hay, tốt nghiệp đại học chuyên ngành về môi trường nhưng Tâm xếp lại tấm bằng cử nhân loại khá để đi làm nông dân, mặc cha mẹ khuyên can, bạn bè chế giễu. “Chúng tôi không ngại vất vả lo cho con. Sau 4 năm học chỉ mong cháu ra trường có một công việc ổn định đúng với chuyên ngành. Thế nhưng, giữa năm 2016, sau tốt nghiệp, Tâm về nhà và nằng nặc đòi làm nông. Gia đình thuyết phục không được nên phải chiều theo ý con. Hơn 3 tháng đầu, tôi và cháu nó lọ mọ làm đủ thứ để phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò, trùn quế” - mẹ Tâm chia sẻ về sự khởi nghiệp của con trai.

Thanh niên Mai Thế Tâm với trại nuôi trùn quế từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thị xã Đồng Xoài

Tâm cho biết: “Học ngành môi trường nhưng em lại mê làm nông nghiệp. Vì vậy, khi có học phần liên quan phân bón hữu cơ, em đăng ký và tập trung nghiên cứu. Em còn đi tham quan các mô hình kinh tế điển hình và nhận thấy có thể làm giàu từ nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, em quyết định ở nhà nuôi bò và trùn quế. Ba mẹ phản đối kịch liệt. Em đã thuyết phục gia đình để thực hiện ước mơ đi lên từ nông nghiệp. Tiếp đó, em sang địa bàn huyện Lộc Ninh, thị xã Bình Long tìm kiếm giống bò chất lượng tốt mua về nuôi. Tháng 12-2016, em xây chuồng trại, mua giống và gây dựng kinh tế với 280 triệu đồng”.

Ban đầu, Tâm nuôi 15 con bò giống và hiện đã tăng lên 21 con. Tâm còn xây 3 khu nuôi trùn quế với diện tích 250m2 để cung cấp sản phẩm cho các nhà vườn trồng rau sạch, cây trồng có nhu cầu phân hữu cơ và câu cá dịch vụ. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò, trùn quế, Tâm cho biết: “Em theo chăn nuôi bò bằng phương pháp truyền thống. Riêng trùn quế, ở giai đoạn thả giống cần chuẩn bị lớp sinh khối dày 5-10cm gồm phân trùn, trùn ba mẹ, kén và trứng trùn. Sau khi thả giống cần ủ ngâm nước để tơi phân trong vòng 1 tuần. Nuôi trùn quế phải chú ý tới các sinh vật ngoại cảnh phá hoại như loài dế, kiến đen...”.

Tâm cho biết thêm: “Mô hình đang phát triển tốt nên em có nhu cầu mở rộng nhưng lại thiếu vốn. Thị đoàn Đồng Xoài đã quan tâm, khảo sát và tạo điều kiện cho em vay 150 triệu đồng với lãi suất thấp từ nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thị xã. Nguồn vốn ấy đã kịp thời giúp em mở rộng quy mô nuôi trùn quế lên 3 chuồng”.

KHỞI NGHIỆP TỪ 6 TRIỆU ĐỒNG

Anh Đỗ Thế Chiên (32 tuổi) ở phường Tân Đồng từ chỗ yêu lan rừng nay đã trở thành tỷ phú của loài hoa vương giả. Vườn lan của anh Chiên rộng 700m2 phân thành 5 khu chuyên biệt từ khu vườn ươm, cây đặc biệt và cây thông thường... với hơn 4.000 giò của 50 loại lan. Riêng khu đặc biệt có diện tích 400m2 được đầu tư thiết kế xây dựng 2 tầng cao 6m theo mô hình nhà kính với những loài lan quý, hiếm. Đây là hình thức chăm sóc vừa giảm ánh nắng trực tiếp và các tác động ngoại cảnh phá hoại vườn cây.

Anh Đỗ Thế Chiên với vườn lan bạc tỷ của mình

Anh Chiên cho biết: “Năm 2014, tôi mua 40 giò lan treo trên cây mận hết 6 triệu đồng rồi tập tành buôn bán online. Từ việc bán được 1-2 giò cho lợi nhuận nên tôi chuyển sang kinh doanh lan. Vườn lan của tôi hiện có đủ các loài từ thông thường đến cao cấp. Hoa lan được xem là “nữ hoàng của các loài hoa” và cũng là loài “đỏng đảnh” nên có những loại giá lên tới 140 triệu đồng/giò (tính theo centimét). Tuần qua, tôi cùng một số người bạn chung vốn mua về 2 giò lan giá gần 200 triệu đồng. Vườn lan của tôi ngoài bán online còn là cơ sở bỏ sỉ cho khách ở thị xã Đồng Xoài, cụ thể giả hạc bỏ mối với giá 420 ngàn đồng/giò; đồng thời làm lan theo nhu cầu của các shop hoa tươi và liên kết cung cấp cho những cơ sở trong, ngoài tỉnh”. Với hơn 4.000 giò/50 loại lan rừng, anh Chiên đang sở hữu khối tài sản vài tỷ đồng.

Bí thư Thị đoàn Đồng Xoài Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Ngay sau khi Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, thị xã Đồng Xoài thành lập, Ban Thường vụ Thị đoàn đề nghị đoàn phường, xã khảo sát nắm các mô hình, dự án phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên có nhu cầu được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên thanh niên có nhu cầu vay vốn để phát triển mô hình kinh tế theo quy định của quỹ. Đến nay, quỹ đã giải ngân được 3 dự án, trong đó ngoài mô hình nuôi trùn quế, bò và lan còn có mô hình kinh doanh vật tư nông nghiệp của đoàn viên Nguyễn Công Chánh ở phường Tân Xuân. Nguồn quỹ đang mang lại hiệu ứng và hiệu quả tốt trong việc kịp thời hỗ trợ những thanh niên thiếu vốn để khởi nghiệp hoặc mở rộng sản xuất - kinh doanh. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục huy động nguồn lực và rà soát đối tượng, mô hình để tiếp tục đồng hành hỗ trợ thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp”.

Cẩm Liên

  • Từ khóa
38490

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu