Thứ 6, 29/03/2024 00:53:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:49, 06/10/2014 GMT+7

Tiềm năng và vẻ đẹp của đảo Nam Yết

Thứ 2, 06/10/2014 | 10:49:00 6,134 lượt xem
BP - Đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa, nằm giữa khu vực có nhiều đảo của nước ta đang bị nước ngoài chiếm đóng. Nam Yết thuộc vĩ độ 10010’45’’ bắc, kinh độ 114022’00’’ đông, cách đảo Trường Sa Lớn 174 hải lý về phía Đông Bắc, cách đảo Song Tử Tây 76 hải lý về phía Nam, cách Cam Ranh 326 hải lý về phía Đông Nam. Diện tích tự nhiên của đảo 97 ngàn m2, đứng thứ 4 trong các đảo do Việt Nam trực tiếp quản lý trên quần đảo Trường Sa. Về mặt hành chính, đảo Nam Yết thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC

Trước đây, đảo Nam Yết là trung tâm chỉ huy của lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, bao gồm các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa… Theo “Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam”, sau khi đặc công hải quân ta giải phóng các đảo Song Tử Tây (14-4-1975) và Sơn Ca (25-4-1975), tối 26-4-1975 các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa ở các đảo còn lại tại quần đảo Trường Sa được lệnh rút. Ngày 27-4-1975, hải quân ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc đã tung bay trên mốc chủ quyền trong nắng gió Trường Sa.

Ngọn hải đăng trên đảo Nam Yết - Ảnh internet

Từ đó đến nay, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết luôn phát huy truyền thống anh hùng, sát cánh bên nhau, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, các công trình quốc phòng và dân sinh trên đảo được xây dựng khá vững chắc. Xung quanh đảo được bao bọc bởi hệ thống tường chắn sóng kiên cố, có bến cập xuồng. Trên đảo đã có nhà 2 tầng và nhiều nhà kiên cố khác, bảo đảm nơi ăn, ở, làm việc cho cán bộ, chiến sĩ. Đảo có trạm thu phát tín hiệu truyền hình từ vệ tinh, hệ thống năng lượng gió và nhiều phương tiện phục vụ đời sống tinh thần cho bộ đội.

Trải qua gần 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đảo Nam Yết đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, tô thắm truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền” của đoàn Trường Sa anh hùng. Đảo đã vinh dự được Bác Tôn tặng lẵng hoa năm 1975 và 1979. Năm 1985, đảo vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất, năm 2003 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 22-12-2004, Nam Yết được Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

VÙNG BIỂN GIÀU TIỀM NĂNG

Vùng biển cụm đảo Nam Yết có tầm quan trọng đặc biệt đối với nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Từ năm 2010, công tác chuẩn bị thành lập Khu bảo tồn biển Nam Yết, bao gồm đảo Nam Yết và vùng phụ cận với tổng diện tích khoảng 20 ngàn ha đã được xúc tiến. Theo hồ sơ Khu bảo tồn biển Nam Yết, khu vực biển Nam Yết có hệ sinh thái rạn san hô đặc trưng cho vùng biển quần đảo Trường Sa.

Hiện nay quần đảo Trường Sa chúng ta đang quản lý 9 đảo nổi và 12 đảo đá ngầm. 9 đảo nổi gồm: Đảo Trường Sa Lớn, An Bang, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca và đảo Nam Yết. 12 đảo chìm gồm: Đảo Đá Nam, Đá Lớn, đảo đá Thuyền Chài, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát và đảo Đá Thị.           (Nguồn: “Biển đảo Việt Nam”)

Vùng biển Nam Yết có 246 loài san hô, 492 loài thực vật và động vật phù du, 86 loài rong, 225 loài động vật đáy, 414 loài cá san hô, 2 loài rùa biển… cùng các loài sinh vật biển quý hiếm như bào ngư, tôm hùm, trai tai tượng, hải sâm, ốc anh vũ, nhum đá, vích, đồi mồi... Trên cạn có 19 loài thực vật như dừa, mù u, bàng quả vuông, phong ba... và 10 loài chim biển, trong đó có những loài không thể tìm thấy ở đâu khác tại Việt Nam, như hải âu mặt trắng, chim điên bụng trắng, chim điên chân đỏ...

Thực vật có nguồn gốc đất liền nhiều nhất là dừa. Dừa mọc thành rừng trên đảo. Dường như không có một hòn đảo nào ở Trường Sa mà dừa lại sinh sôi nhanh và khỏe như tại Nam Yết. Dừa có khắp đảo, sai trái và nhiều nước. Hàng năm, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường tổ chức ngày hội trồng dừa vào dịp tết nguyên đán.

Đối với quân và dân trên đảo, những sản phẩm từ dừa được sử dụng vào nhiều việc. Lá dừa được dùng để lợp chắn sóng, chống gió mặn cho các vườn rau, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Sọ dừa khô làm gáo múc nước hay gắn thêm ốc biển làm thành những hộp quà nho nhỏ gửi về tặng đất liền. Trên đảo Nam Yết, quân và dân huyện đảo Trường Sa đã xây dựng các âu tàu có sức chứa hàng trăm tàu thuyền công suất 400 CV, tổ chức các điểm dịch vụ thu mua hải sản, cung cấp nước ngọt và nước đá, bán dầu diezen, lương thực và thực phẩm, sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân đánh bắt xa bờ...(*)

Để có màu xanh trên đảo, những người lính đã chắt chiu từng giọt nước ngọt, thậm chí nhường cả phần nước ngọt sinh hoạt của mình để tưới cho cây. Và ở nơi ấy, lính đảo đang hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu.

            Trung Lương
Bài viết có tham khảo các tài liệu và trang thông tin biendong.net

  • Từ khóa
87980

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu