Thứ 6, 29/03/2024 06:33:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:07, 26/11/2013 GMT+7

Gian nan giảm nghèo ở Lộc Quang

Thứ 3, 26/11/2013 | 14:07:00 404 lượt xem

Thiên nhiên ưu đãi, đất phì nhiêu, địa hình bằng phẳng, dồi dào nguồn nước nhưng xã Lộc Quang (Lộc Ninh) lại là một trong 2 xã nghèo nhất tỉnh. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Quang Chu khẳng định: Lộc Quang khó hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết của Đảng bộ xã, khi không giải quyết được đất sản xuất cho người nghèo.

KHÓ THOÁT NGHÈO VÌ KHÔNG CÓ ĐẤT

Giữa trưa mùa khô, chúng tôi cùng chị Lại Thị Ngọc, cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo (XĐGN) xã Lộc Quang khảo sát các hộ nằm trong danh sách đề xuất đưa ra khỏi hộ nghèo năm 2013 ở ấp Việt Tân.

Qua kiểm tra thực tế 3 hộ chỉ có hộ ông Đỗ Văn Lộc đủ tiêu chí thoát nghèo. Ấp trưởng Đào Ngọc Lân cho biết: Hộ ông Lộc là điển hình vươn lên thoát nghèo ở ấp Việt Tân. 7 năm trước ông Lộc đến Lộc Quang lập nghiệp, nghèo không mua được đất sản xuất, xã xét cho hưởng vay vốn Dự án nuôi bò giảm nghèo. Từ 1 con bò nuôi có hiệu quả, vợ chồng ông vay mượn mua thêm 2 con. Sau 3 năm, đàn bò của gia đình ông Lộc tăng đàn 7 con. Không có đất sản xuất, vợ chồng ông Lộc nhận trông coi trang trại và dắt đàn bò theo để tận dụng cỏ cho bò ăn. Ấp trưởng Đào Ngọc Lân cũng cho biết, những hộ có ý chí vươn lên thoát nghèo như ông Lộc ở Việt Tân rất hiếm, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu vì “không có đất cắm dùi”, nhận thức thấp. 


Không chồng, không nhà, không đất sản xuất, nuôi 2 con nhỏ nên chị Diễm dù trong độ tuổi lao động cũng không thể thoát nghèo

Ấp Việt Tân có 320 hộ gồm 7 dân tộc anh em sinh sống. Năm 2013, Việt Tân còn 48 hộ nghèo, trong đó 46 hộ không có đất sản xuất. Những hộ không có đất chủ yếu sống nhờ làm thuê trong các trang trại hoặc buôn bán nhỏ ở chợ ngã tư Lộc Quang. Việt Tân cũng như nhiều ấp khác của xã Lộc Quang bình xét hộ nghèo rất sát sao. Toàn xã còn 153 hộ không có đất sản xuất, nhiều hộ không có đất ở.

TĂNG HỘ NGHÈO CƠ HỌC

Ông Lê Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Lộc Quang có địa hình bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, lợi thế về nguồn nước, đất rộng người thưa. Tuy nhiên, đất chủ yếu là các trang trại có chủ ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương hoặc thị trấn Lộc Ninh. Xã có hơn 20% số dân là dân tộc Khơme, Xêtiêng. Bà con dân tộc thiểu số trước kia nhiều đất nhưng đã bán hoặc tách hộ cho các con. Lộc Quang là nơi có Việt kiều Campuchia định cư từ những năm 1972-1973, với tập quán sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Từ năm 1998 đến nay, Lộc Quang đón dân di cư tự do từ 50 tỉnh, thành đến lập nghiệp. Đa số họ không có tiền mua đất, trình độ thấp. Khi đến Lộc Quang, họ được người thân cho mượn mảnh đất nhỏ để làm nhà ở và nhập khẩu. Vì thế, hộ nghèo của xã không chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số mà người Kinh cũng chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, năm 1998 xã có 1.300 hộ, 10 năm sau tăng lên 2.600 hộ. Cũng trong năm 2008, do chia lại địa giới hành chính để thành lập xã Lộc Phú, Lộc Quang còn 1.200 hộ và hiện nay là 1.662 hộ. Chỉ trong năm 2013 có 6 hộ nghèo là Việt kiều Campuchia đến nhập cư ở Lộc Quang.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Quang Chu cho biết, là xã có hộ nghèo đứng nhất, nhì trong tỉnh nên Nghị quyết Đảng bộ xã hàng năm đều đặt nhiệm vụ trọng tâm giảm nghèo nhưng khó đạt bởi áp lực dân di cư tự do. Cụ thể, chỉ tiêu năm 2013 giảm hộ nghèo còn 14%. Qua phúc tra, cuối năm 2012 Lộc Quang còn 295 hộ nghèo và 37 hộ cận nghèo. 9 tháng năm 2013 giảm 67 hộ nghèo nhưng phát sinh 42 hộ (hộ nghèo còn 250 hộ, trong đó 123 hộ dân tộc thiểu số) và tăng cận nghèo lên 72 hộ (15 hộ dân tộc thiểu số). Tổng hộ nghèo và cận nghèo toàn xã là 322 hộ/1.662 hộ. Hiện hộ nghèo ở Lộc Quang chiếm hơn 15% (toàn huyện là 7,2%) và cận nghèo chiếm gần 19%. 

TÌM GIẢI PHÁP THÍCH HỢP

Bí thư Nguyễn Quang Chu cho rằng, biện pháp giảm nghèo bền vững ở Lộc Quang là cấp đất sản xuất nhưng rất khó khăn vì xã không còn quỹ đất. Thực hiện Chương trình 134, 135 và 1592 (cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số), năm 2008 Lộc Quang có 29 hộ được cấp 30 ha nhưng đất xấu, mùa mưa ngập nước, mùa khô hạn hán nên người dân chỉ trồng được cây ngắn ngày và điều. Năm 2012, từ thanh lý rừng giá tỵ ở Tiểu khu 84 (Lộc Quang), các hộ được cấp 31 ha, bình quân 0,5-1 ha/hộ. Cuối năm 2013, có 5 hộ nhận đất ở Tiểu khu 82 (Lộc Hiệp) nhưng khi đến khai hoang bị người dân Lộc Hiệp sống giáp ranh tranh chấp không cho làm. 

Chủ tịch UBND xã Lê Văn Sâm cũng cho rằng, do không có đất sản xuất nên nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số như cấp phân bón, hỗ trợ máy phát cỏ... không phù hợp. Kinh phí Nhà nước cấp cho xã nghèo 135 chủ yếu đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 1 tỷ đồng/năm như muối bỏ biển nên đạt tiêu chí nông thôn mới là rất khó khăn. Hỗ trợ người nghèo vay vốn 135 có hiệu quả nhưng vốn  rất khiêm tốn. Năm 2012 cấp 300 triệu đồng mua 20 con bò mẹ nhưng năm nay chỉ được 100 triệu đồng mà giá bò lại tăng nên chỉ mua được 5 con. 

Các giải pháp giảm nghèo đang được triển khai ở Lộc Quang như vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội; các đoàn thể vận động giúp nhau cây - con giống, vay không lãi hoặc lãi suất thấp; xã liên hệ các trang trại giải quyết việc làm cho người nghèo. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn nêu trên, Lộc Quang rất khó hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết của Đảng bộ xã.    

Phương Hà

  • Từ khóa
47582

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu