Thứ 7, 20/04/2024 03:19:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:11, 30/05/2020 GMT+7

Thực hư tình trạng buôn lậu heo ở Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư?

Minh Luận - Trương Hiện
Thứ 7, 30/05/2020 | 13:11:00 2,371 lượt xem

>> [Video] Thực hư tình trạng buôn lậu heo ở Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư?

BPO - Ngày 22-5, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng bài “Bình Phước: Kiến nghị các cơ quan ban ngành tỉnh sớm chỉ đạo cắt đứt con đường buôn lậu heo tại cửa khẩu Hoa Lư” và “Buôn lậu heo qua Việt Nam có tổ chức”. Nội dung các bài báo phản ánh, thời gian gần đây, các lái heo tràn về Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư để mua bán heo lậu từ nước bạn tuồn về. Hoạt động buôn lậu diễn ra công khai, tuy nhiên chưa thấy cơ quan chức năng của Bình Phước vào cuộc... Để xác minh tính chính xác của thông tin và rộng đường dư luận, ngay sau khi các bài báo đăng phát, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đã vào cuộc làm rõ. Ngày 24-5, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Lê Văn Uy đã đi kiểm tra thực tế theo các nội dung thông tin bài báo phản ánh. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường tỉnh và UBND huyện Lộc Ninh.

Đại diện Công an tỉnh cho biết, ngay sau khi có thông tin từ bài báo, ngày 23-5, Công an tỉnh đã phối hợp Công an huyện Lộc Ninh, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và lực lượng hải quan làm việc với đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Quốc Hùng, chủ cây xăng Hoàng Hà ở ấp 7, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, một trong những địa danh các bài báo phản ánh là nơi tập kết, trung chuyển heo từ Campuchia tuồn vào Việt Nam tiêu thụ. Theo biên bản làm việc số 135 ngày 23-5-2020, ông Vương Quốc Hùng, quản lý cây xăng Hoàng Hà cho biết, từ trước đến nay, không có xe vận chuyển heo tập kết tại khu vực kho của công ty. Thi thoảng có một vài xe chở heo của các trại chăn nuôi heo gia công cho Công ty CP Thái Lan đến cây xăng đổ dầu.

Đoàn công tác của tỉnh xem trích xuất camera tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư

Để có thêm thông tin đảm bảo tính xác thực, ngày 24-5, đoàn công tác của tỉnh tiếp tục đi kiểm tra thực tế kho bãi của cây xăng và làm việc với đại diện cây xăng về những nội dung, thông tin bài báo phản ánh. Tại thời điểm kiểm tra, các sân phơi, nhà kho của Công ty Quốc Hùng khô ráo, không có dấu hiệu của việc tập kết, trung chuyển heo. Một số hình ảnh minh họa trong bài viết không đúng với khung cảnh ở cây xăng Hoàng Hà. Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, nhân viên kế toán Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Quốc Hùng cho biết thêm: “Công ty kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, còn cho thuê, kinh doanh kho bãi chứa hàng nông sản và hạt điều. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty không cho thuê và cũng không có bất kỳ đơn vị nào đến thuê mặt bằng để trung chuyển heo từ Campuchia về như bài báo đã viết”.

Nội dung các bài báo còn phản ánh, tại khu vực đường D2, D3 và ngã ba Chiu Riu của huyện Lộc Ninh, gần đây, các xe chở heo biển kiểm soát từ miền Bắc, miền Trung và khu vực Đông Nam bộ đổ về khu vực này rất nhiều để vận chuyển heo lậu từ biên giới nước bạn tuồn về. Để xác minh thông tin, đoàn đã đi kiểm tra thực tế kết nối giao thông của các tuyến D2, D3 với nước bạn Campuchia; công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trên khu vực này. Qua kiểm tra cho thấy, D2, D3 là các tuyến đường tiểu ngạch. Tại các tuyến đường này đều có các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của tỉnh được lập từ những ngày đầu tháng 3-2020. Ngoài ra còn có các chốt dân quân túc trực 24/24 giờ. Vì vậy, mọi phương tiện, người dân qua lại trên tuyến biên giới này đều được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Không chỉ vậy, để hạn chế việc người, phương tiện qua lại biên giới trái phép, ngay từ trước tết Nguyên đán, Bộ đội biên phòng Bình Phước cũng đã đào mương cắt ngang các tuyến đường với chiều rộng 5m, sâu 2m nên không phương tiện nào có thể ra vào hoặc qua lại trên các tuyến đường này. Ông Lê Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh cho biết: “Trên địa bàn xã khu vực giáp biên có 4 trại nuôi heo gia công cho Công ty CP Thái Lan. Hằng ngày, các trại heo này vẫn xuất bán bình thường. Các bài báo cho rằng, khu vực đường D2 là nơi tập kết heo buôn lậu là không đúng sự thật. Bởi vì đoạn đường này đã đào mương cắt ngang nên xe môtô, xe gắn máy cũng không thể qua được”.

Nhà kho của Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Quốc Hùng không có dấu hiệu của tập kết, trung chuyển heo lậu

Anh Đoàn Văn Quý, Chốt trưởng Chốt dân quân biên giới xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh cho biết: Từ sau tết, đơn vị cùng các lực lượng chức năng khác trực 24/24 giờ ở chốt... Xe vào đây là xe chở heo của các trại chăn nuôi dọc tuyến biên giới. Bởi, trên địa bàn xã Lộc Hòa cũng có 2 trại heo sát đường tuần tra biên giới, hằng ngày vẫn có xe chở heo về Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư rồi ra quốc lộ 13 và vào trong nội địa.

Nội dung bài báo còn phản ánh, tại các đường xương cá của Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, mỗi đêm có khoảng 3 xe container, với khoảng 800 con heo lọt qua biên giới đi vào lãnh thổ Việt Nam. Anh Lê Nguyên Hải, đại diện Công ty TNHH chăn nuôi Hướng Dương, một trong những công ty có nhiều trang trại nuôi heo gia công cho Công ty CP Thái Lan trên tuyến biên giới Lộc Ninh, cho biết: “Công ty hiện có 4 trại nuôi heo gia công cho Công ty CP Thái Lan. Mỗi ngày, các trang trại xuất bán từ 800-900 con heo nên việc xuất hiện các xe chở heo qua lại trong khu vực này là chuyện bình thường. Còn việc chở heo bằng container là điều không thể, bởi heo sẽ bị ngộp và chết”.

“Từ đầu năm đến nay, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư chưa phát sinh tờ khai nhập mặt hàng heo và công tác giám sát tại chi cục được thực hiện rất chặt chẽ. Ngoài cán bộ, công chức giám sát trực tiếp, còn có hệ thống camera 3600 giám sát. Mọi dữ liệu được truyền trực tiếp về Tổng cục Hải quan. Không chỉ vậy, tất cả hàng hóa qua lại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đều phải làm thủ tục đúng quy trình theo quy định của pháp luật, không có việc cán bộ, công chức câu kết với các đầu nậu vận chuyển hàng hóa, heo lậu qua cửa khẩu này”.
Anh Nguyễn Phát Đức, Phó đội trưởng Đội nghiệp vụ Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư

Nội dung các bài báo còn phản ánh, đường từ ngã ba liên ngành lên Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư là đường độc đạo để vận chuyển heo. Các lái heo không còn con đường nào khác để đi. Nếu Bình Phước lập điểm chốt chặn ở ngã ba liên ngành thì chắc chắn sẽ chặt đứt được con đường buôn lậu này. Trên thực tế, đoạn từ ngã ba liên ngành lên Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư dài khoảng 12km. Trên tuyến đường này có rất nhiều ngã rẽ thông thương từ Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư về huyện Lộc Ninh và ngược lại, không phải là con đường độc đạo. Hơn nữa, đây là tuyến quốc lộ, việc lập điểm chốt kiểm soát trên tuyến đường này phải được sự đồng ý của Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra, qua trích xuất camera an ninh khu vực Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư từ ngày 17-5 đến nay cho thấy, không có bất kỳ xe chở heo nào qua lại khu vực cửa khẩu.   

Từ thực tế kiểm tra cho thấy, không có tình trạng buôn lậu heo trên tuyến biên giới, đặc biệt là khu vực Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư như nội dung các bài báo phản ánh. Đây chỉ là hoạt động vận chuyển heo của các trại chăn nuôi heo gia công cho Công ty CP Thái Lan. Vì hiện nay, trên tuyến biên giới đoạn qua huyện Lộc Ninh đang có 18 trại nuôi heo lớn, nhỏ, mỗi ngày xuất ra thị trường từ 3.000-4.000 con... Bởi vậy, việc có các phương tiện vận chuyển heo ra vào trong khu vực này không có gì là khuất tất, bất thường.

Phản ánh của các bài báo nêu trên là không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của các ngành, cơ quan chức năng và việc quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Vì vậy, qua xác minh, chiều 25-5, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xem xét xử lý, chỉ đạo tổng biên tập các cơ quan truyền thông nêu trên kiểm tra, rà soát, đăng bài cải chính theo quy định của Luật Báo chí, đồng thời thông báo kết quả sau khi cải chính về sở trong thời gian sớm nhất.

  • Từ khóa
94720

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu