Thứ 6, 19/04/2024 06:25:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:56, 11/03/2020 GMT+7

Thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia 2020: Cần lộ trình dài hơi - Bài cuối

Vũ Thuyên
Thứ 4, 11/03/2020 | 14:56:00 1,550 lượt xem

CHIẾN LƯỢC BỀN VỮNG

BPO - Ngày 21-11-2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh ký ban hành Kế hoạch số 259 về điều chỉnh, bổ sung triển khai nhiệm vụ Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2019-2025. Từ các nguồn vốn sẽ đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, xây dựng phòng lap, mua sắm trang thiết bị... phục vụ dạy và học tiếng Anh. Vì thế, việc dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh những năm tiếp theo sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Từ thực tiễn

Thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia hệ 10 năm của Thủ tướng Chính phủ, Bình Phước triển khai ở các trường phổ thông từ năm học 2012-2013, tuy nhiên đến nay số lượng học sinh tham gia còn rất thấp. Thầy Đặng Hữu Khoái, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập cho biết: Đến nay, toàn huyện chỉ có 1 lớp duy nhất là lớp 7, với khoảng 30 em của Trường THCS Đắk Ơ tham gia học lớp đề án tiếng Anh 4 tiết/tuần. Nguyên nhân phần lớn các em thiếu kiến thức, kỹ năng tiếng Anh từ bậc tiểu học nên khi test đầu vào (lớp 6) không đạt. Bậc tiểu học, các lớp học 2 buổi/ngày toàn huyện đều được học tiếng Anh tự chọn 2-3 tiết/tuần, còn học theo lớp đề án ngoại ngữ chưa thực hiện được, vì thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đảm bảo và nhiều lý do khác.

Tương tự, các huyện vùng sâu, xa khác như Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp... việc triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia còn nhiều khó khăn, bất cập. Tính đến cuối năm học 2018-2019, toàn tỉnh chỉ có 11 trường mầm non công lập/879 trẻ và 7 trường mầm non ngoài công lập với 790 trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh. Bậc tiểu học có 29/167 trường tiểu học, TH&THCS/198 lớp/6.697 học sinh theo học/tổng 56.107 học sinh toàn tỉnh, chiếm 11,9%. Bậc THCS có 64/115 trường (THCS, TH&THCS)/124 lớp/3.872 học sinh theo học/tổng 64.125 học sinh toàn tỉnh, chiếm 5,96%. Bậc THPT có 8/34 trường/46 lớp/1.805 học sinh theo học/tổng 28.263 học sinh toàn tỉnh, chiếm 6,4%.

Học sinh lớp 811 Trường THCS Tân Phú (Đồng Xoài) trong giờ học tiếng Anh lớp đề án

Đến cuối tháng 8-2019, toàn tỉnh có 809 giáo viên tiếng Anh (từ bậc tiểu học đến THPT). Trong đó, số giáo viên đạt chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam là 674 (tiểu học 128/170, THCS 362/397, THPT 184/242), chiếm 83,3%, còn lại 135 giáo viên chưa đạt theo quy định. Trang thiết bị dạy học ngoại ngữ cũng được quan tâm đầu tư, triển khai từ năm học 2012-2013. Đến năm 2018, có 110 phòng học ngoại ngữ (phòng lap) và 88 bộ thiết bị ngoại ngữ dùng chung. Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu, hiện trang thiết bị dạy học ngoại ngữ còn thiếu rất nhiều. Các trang thiết bị được đầu tư từ năm 2015 trở về trước đến nay có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, chưa đáp ứng tối thiểu nhu cầu dạy và học. Song song đó, đồ dùng dạy học lạc hậu và không đồng bộ, chủ yếu là máy chiếu và máy cassette. Việc trang bị phần mềm dạy học ngoại ngữ chưa thực hiện, chủ yếu phụ thuộc vào sách giáo khoa.

Cuối năm học 2018-2019, ở bậc mầm non, toàn tỉnh có 18/160 trường triển khai cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh qua các hoạt động giáo dục của nhà trường. Bậc tiểu học có 138/167 trường triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 theo một trong 2 chương trình: Chương trình tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ quốc gia hệ 10 năm, dạy cho học sinh từ lớp 3 với 4 tiết/tuần ở một số trường đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh đạt chuẩn về năng lực (B2); chương trình tiếng Anh tự chọn dành cho các lớp 3, 4 hoặc 5, được thực hiện ở một số trường tiểu học chưa đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, chưa có đủ đội ngũ giáo viên bộ môn tiếng Anh trong biên chế chính thức, phải hợp đồng giáo viên giảng dạy theo năm học.

 Đối với bậc THCS, THPT, 100% học sinh được học môn tiếng Anh theo một trong 2 chương trình: Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm dành cho những học sinh đã học môn tiếng Anh liên tục từ lớp 3 đến lớp 5 (đối với bậc THCS) và từ lớp 3 đến lớp 9 (đối với bậc THPT) hoặc những học sinh đạt yêu cầu sau kỳ thi khảo sát năng lực đầu cấp (lớp 6, lớp 10) hằng năm; chương trình tiếng Anh hệ 7 năm dành cho học sinh bắt đầu học môn tiếng Anh từ lớp 6 hoặc những học sinh đã học tiếng Anh tự chọn từ bậc tiểu học (đối với bậc THCS) nhưng tới lớp 6, lớp 10 không đáp ứng điều kiện tham gia học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm.

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực hiện đề án

Để thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia, giai đoạn 2019-2025, toàn tỉnh cần kinh phí hơn 200 tỷ đồng, trích từ vốn sự nghiệp giáo dục (gần 109 tỷ đồng), vốn đầu tư phát triển (gần 52 tỷ đồng) và ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố (gần 41 tỷ đồng). Từ nguồn kinh phí này, theo lộ trình hằng năm sẽ trích bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, mua sắm trang thiết bị, phần mềm ngân hàng câu hỏi tiếng Anh, đặc biệt là đầu tư xây dựng hơn 100 phòng lap (123,3 tỷ đồng). Trước đó, giai đoạn 2013-2018, kinh phí đầu tư cho đề án gần 54 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn đầu tư, phấn đấu đến năm 2025, 100% trường THPT, THCS&THPT có phòng lap; 95% trường THCS có phòng lap; 95% có phòng học bậc tiểu học kèm theo thiết bị đảm bảo phục vụ dạy và học tiếng Anh; 95% tổng số lớp 4 và 5 tuổi của các trường mầm non có bộ thiết bị làm quen tiếng Anh.

Sở GD-ĐT đang phối hợp Trường đại học quốc tế miền Đông (Bình Dương) bồi dưỡng 135 giáo viên dạy tiếng Anh trên địa bàn tỉnh chưa đạt chuẩn hướng tới đạt chuẩn theo quy định. Phấn đấu trong năm 2020 có 95% và năm 2022 có 100% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; trong đó, bậc tiểu học và THCS đạt bậc 4 (B2), THPT đạt bậc 5 (C1). Đội ngũ giáo viên sau khi đạt chuẩn năng lực tiếng Anh, Sở GD-ĐT tạo điều kiện cho giáo viên tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế và thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS). Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn phối hợp bồi dưỡng năng lực tiếng Anh cho giáo viên môn Toán và các môn khoa học khác nhằm thí điểm dạy học môn Toán và các môn khoa học Lý, Hóa, Sinh, Tin ở các trường phổ thông có đủ điều kiện. 

Thí điểm dạy học song ngữ

Nhà giáo ưu tú Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Tiếp tục thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia, từ học kỳ II, năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT đã triển khai thí điểm dạy học môn Toán và các môn khoa học (Lý, Hóa, Sinh, Tin) bằng tiếng Anh ở một số trường phổ thông trên địa bàn thành phố Đồng Xoài, tiến tới nhân rộng ở các trường có điều kiện trong toàn tỉnh.

Hiện nay, còn nhiều trường chưa thể triển khai dạy học tiếng Anh hệ 10 năm vì không đủ giáo viên. Đối với các trường mầm non không có biên chế giáo viên bộ môn tiếng Anh, vì thế việc triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh phải được sự hỗ trợ kinh phí thuê giáo viên từ phụ huynh. Giáo viên môn tiếng Anh ở cấp tiểu học trong toàn tỉnh còn thiếu nhiều so với yêu cầu. Đa số giáo viên đang giảng dạy ở bậc học tiểu học là giáo viên dạy hợp đồng, chưa được bồi dưỡng đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 107 giáo viên bộ môn tiếng Anh trong biên chế/167 trường tiểu học, TH&THCS. Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu như phòng học ngoại ngữ, thiếu các thiết bị nghe nhìn, phần mềm hỗ trợ dạy học ngoại ngữ.

Thầy Trần Ngọc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, phụ trách đề án ngoại ngữ quốc gia, Sở GD-ĐT

Cụ thể, cấp tiểu học (chọn khối lớp 4), thí điểm dạy học môn Toán bằng tiếng Anh ở Trường tiểu học Tân Phú và Trường tiểu học Tân Bình; cấp THCS (chọn khối lớp 6, 7), thí điểm dạy học môn Toán bằng tiếng Anh ở Trường THCS Tân Phú và Trường THCS Tân Xuân; cấp THPT (chọn khối lớp 10), thí điểm dạy học các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin bằng tiếng Anh ở Trường THPT chuyên Quang Trung và Trường THPT Đồng Xoài. Từ năm học 2020-2021, tiếp tục thí điểm thực hiện ở các trường nêu trên, đồng thời mở rộng ở các trường và các khối lớp có đủ điều kiện. Dạy và học môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh sẽ hỗ trợ việc học của học sinh, các em có thể tư duy bằng ngôn ngữ khác và có thể tìm kiếm các tài liệu tham khảo khoa học bằng tiếng Anh. Mặt khác, những kiến thức và hiểu biết của các môn học được học sinh tiếp thu và luyện tập thường xuyên thông qua kỹ năng nghe, nói, đọc, viết sẽ giúp các em củng cố, phát triển năng lực ngôn ngữ tiếng Anh.

Theo lộ trình từ năm học 2020-2021, phấn đấu có ít nhất 50% học sinh lớp 3, 30% học sinh lớp 6 và 15% học sinh lớp 10 học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm; đến năm 2025, phấn đấu 100% học sinh lớp 3, lớp 6 và 30% học sinh lớp 10 được học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm. Được đầu tư bài bản và triển khai thực hiện nghiêm túc đề án ngoại ngữ theo đúng lộ trình sẽ đảm bảo chất lượng của học sinh đầu ra đạt năng lực ngoại ngữ theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể, học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiếng Anh hệ 10 năm của cấp tiểu học đạt năng lực tương đương bậc 1 (A1), học sinh lớp 9 hoàn thành chương trình tiếng Anh hệ 10 năm của cấp THCS đạt bậc 2 (B2), lớp 12 hoàn thành chương trình tiếng Anh hệ 10 năm của cấp THPT đạt bậc 3 (B3).

Để thực hiện hoàn thành mục tiêu của đề án theo đúng lộ trình là việc làm vô cùng khó khăn, tốn nhiều thời gian công sức, tiền của. Vì thế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp xã đến tỉnh và sự hưởng ứng tích cực của học sinh, phụ huynh toàn tỉnh.

  • Từ khóa
89453

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu