Thứ 6, 19/04/2024 02:44:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:51, 15/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên nhận bảo đảm

Thứ 5, 15/01/2015 | 13:51:00 5,659 lượt xem

BP - Quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, tại Khoản 1, Điều 327 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định như sau: Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm một tài sản được xác định như sau: a) Trường hợp tài sản dùng để bảo đảm không chuyển giao cho bên nhận bảo đảm thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các biện pháp bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký biện pháp bảo đảm. b) Trường hợp các biện pháp bảo đảm có đăng ký và biện pháp bảo đảm có chuyển giao tài sản cho bên nhận bảo đảm thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm. c) Trường hợp không chuyển giao tài sản bảo đảm và không đăng ký biện pháp bảo đảm thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các biện pháp bảo đảm được xác định theo thứ tự giao kết hợp đồng.

Và theo ý kiến của cá nhân tôi thì việc quy định như trên là tương đối rõ ràng về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên nhận bảo đảm, tuy nhiên còn có một số vấn đề sau cần làm rõ:

Một là: Thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định tại điều này hoàn toàn phụ thuộc vào giao dịch bảo đảm (thời điểm giao kết hợp đồng bảo đảm/đăng ký giao dịch bảo đảm) mà hoàn toàn không phụ thuộc vào thời điểm xác lập nghĩa vụ được bảo đảm. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì quy định này đúng, nhưng cần rõ ràng và cụ thể hơn hoặc quy định trong một văn bản khác dưới luật, để làm rõ các trường hợp sau:

Ví dụ, ngày 2-1-2014, ông A thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm cho nghĩa vụ của công ty B1 phát sinh theo hợp đồng tín dụng X1 ký với ngân hàng C1 (giao dịch bảo đảm được đăng ký cùng ngày ký hợp đồng bảo đảm). Đến ngày 2-5-2014, ông A tiếp tục dùng chính quyền sử dụng đất đó để bảo đảm cho nghĩa vụ của công ty B2 phát sinh theo hợp đồng tín dụng X2 ký với ngân hàng C2 (giao dịch bảo đảm được đăng ký cùng ngày ký hợp đồng bảo đảm). Đến 2-7-2014, ông A và ngân hàng C1 ký phụ lục/văn bản sửa đổi hợp đồng bảo đảm để bổ sung thêm nghĩa vụ được bảo đảm: Nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm toàn bộ nghĩa vụ của công ty B1 phát sinh từ hợp đồng tín dụng X1 và hợp đồng tín dụng Y1. Theo quy định hiện hành, việc bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm không cần đăng ký thay đổi giao dịch bảo đảm (GDBĐ). Đến 2-9-2014, công ty B1 hoàn tất nghĩa vụ theo hợp đồng tín dụng X1 (X1 tất toán), chỉ còn dư nợ theo hợp đồng tín dụng Y1. Công ty B2 vẫn còn nghĩa vụ theo hợp đồng tín dụng X2. Vậy từ thời điểm này, nếu các bên nhận bảo đảm (ngân hàng C1 và ngân hàng C2) phải xử lý tài sản bảo đảm thì ai sẽ được ưu tiên thanh toán?

Và từ thực tiễn đó cho thấy cần phải quy định rõ vấn đề này để tránh các tranh chấp có thể phát sinh trong giao dịch dân sự, để tránh phát sinh phức tạp về sau.

Hai là: Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo lãnh và giữa bên nhận bảo lãnh với bên nhận bảo đảm bằng tài sản, được quy định tại Điểm a, Khoản 1, có nghĩa là các bên cùng nhận bảo lãnh có cùng thứ tự ưu tiên thanh toán. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản của bên bảo lãnh được chia cho các bên cùng nhận bảo lãnh theo tỷ lệ tương ứng với nghĩa vụ được bảo lãnh. Đối với Điểm b, Khoản 1, trường hợp biện pháp bảo đảm bằng tài sản đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm bằng tài sản được ưu tiên thanh toán trước bên nhận bảo lãnh. Còn đối với quy định tại Điểm c, Khoản 1 thì trường hợp biện pháp bảo đảm bằng tài sản chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận bảo lãnh với bên nhận bảo đảm bằng tài sản được xác định theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm.

Như vậy, theo suy nghĩ của tôi thì quy định tại Điểm b và c ở Khoản 1, điều này là vô nghĩa. Hoặc muốn nó có nghĩa thì phải quy định rõ hơn.

Ví dụ, ngày 2-4-2014, công ty A thế chấp xe ôtô để bảo đảm nghĩa vụ vay tại ngân hàng C. Giao dịch bảo đảm không được đăng ký. Trước đó, ngày 2-1-2014, công ty A bảo lãnh cho công ty B vay vốn tại ngân hàng D. Vậy ngân hàng C và ngân hàng D, ai sẽ được ưu tiên thanh toán đối với xe ôtô của công ty A? Theo quy định là D(?) Tuy nhiên, khi D đòi xử lý tài sản của bên bảo lãnh thì C chỉ cần đăng ký giao dịch bảo đảm thế chấp xe ôtô là lại có được quyền ưu tiên thanh toán trước D.

Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là quy định như thế để làm gì? Vì đằng nào bên nhận thế chấp cũng sẽ có được quyền ưu tiên thanh toán trước bên nhận bảo lãnh (bằng cách đi đăng ký giao dịch bảo đảm, dù vào bất cứ thời điểm nào). Bởi vậy, theo tôi nên quy định bên nhận bảo lãnh luôn có thứ tự ưu tiên sau bên nhận bảo đảm bằng tài sản cụ thể (qua thế chấp, cầm cố...). Hoặc muốn bảo vệ quyền lợi của bên nhận bảo lãnh thì phải quy định rõ hơn về việc đăng ký giao dịch bảo đảm của giao dịch thế chấp. Cụ thể, khi bên nhận bảo lãnh đã yêu cầu xử lý tài sản thì việc bên nhận thế chấp đăng ký giao dịch bảo đảm sau thời điểm đó không giúp cho bên nhận thế chấp giành lại thứ tự ưu tiên thanh toán đầu tiên.             

Lg: Vĩnh Bình

  • Từ khóa
12446

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu