Thứ 5, 28/03/2024 17:49:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:09, 03/03/2016 GMT+7

Thu tiền tỷ mỗi năm từ 1 ha cam

Thứ 5, 03/03/2016 | 10:09:00 5,608 lượt xem
BP - Chỉ với trên 1 ha đất sản xuất nhưng có thể cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm, mô hình trồng cam của gia đình chị Đặng Thị Bích Hạnh ở ấp Hiệp Tân A, xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) đã mang lại hiệu quả kinh tế từ loại cây có múi này.

Vườn cam 3 năm tuổi của gia đình chị Hạnh năm nay đã bước vào vụ thu hoạch chính. Cam trĩu cành, trái to, đều và đẹp. Nhìn vườn cam của gia đình chị, ai cũng mê. Theo những người làm công đi thu hoạch, chỉ sau 10 phút, 2 cây cam trước mắt chúng tôi đã cho 2 giỏ trái đầy ắp với trọng lượng khoảng 40kg, khi mới hái được một phần trái chín trên cây.

Gia đình chị Hạnh thu hoạch cam trong vườn nhà Gia đình chị Hạnh thu hoạch cam trong vườn nhà 

Chị Hạnh cho biết: Trước đây, vườn cam này vốn dĩ được trồng ca cao nhưng sau đó, ca cao không cho năng suất như mong muốn nên tôi chuyển hẳn sang trồng cam. Giống cam được lựa chọn là loại cam sành trái to, mọng nước và tự tay tôi đi tuyển giống tốt rồi đặt mua từ miền Tây mang về. Năm ngoái, cam đã cho trái bói với năng suất khoảng 30 tấn/ha và tôi đã phải tỉa bớt trái để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt ở những vụ sau. Mùa đầu tiên, mình không nên cho cây mang nhiều trái quá, để dinh dưỡng nuôi cây. Nếu ham trái thì những mùa sau, năng suất sẽ không cao.

Với 1,5 ha đất, hiện 3.000 cây cam của gia đình chị Hạnh đang cho năng suất trên 80 tấn trong mùa vụ năm nay. Theo ước tính, với giá khoảng 24.000 đồng/kg, mùa vụ này, gia đình chị thu hàng tỷ đồng từ vườn cam, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Hơn nữa, cam cũng đang rất hút hàng bởi được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là mùa nắng nóng. Những năm gần đây, cam chưa hề “dội chợ” như một số nông sản khác và thấp nhất cũng đạt 15.000 đồng/kg. Trong khi mùa cao điểm có thể lên đến trên 30.000 đồng/kg.

Nhanh tay cho cam vào đóng thùng để vận chuyển đến các chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh, chị Hạnh nói: “Đầu ra tiêu thụ cam hiện rất ổn định, có bao nhiêu bán bấy nhiêu. Nhưng tùy thời điểm, giá cam mắc hay rẻ. Nếu giá cao thì mình cắt nhiều, giá rẻ quá có thể neo trái trên cây, chờ giá cao hơn”.

Đã từng thử sức với nhiều loại cây nhưng khi bắt đầu trồng thử nghiệm cam, chị Hạnh rất yên tâm với loại cây này. Chị nói: “Ngoài việc phải lựa chọn được giống chuẩn, bo ghép sạch bệnh thì hằng tháng còn phải xịt thuốc, bón phân để phòng, chống các loại sâu bệnh. Tuy nhiên, do áp dụng hình thức phun thuốc luân phiên nên khi lứa cam nào đến vụ thu hoạch, gia đình tôi sẽ ngưng phun thuốc trước đó 1 tháng để đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng”.

Theo đánh giá của nhà vườn, cam có thể thích nghi với mọi loại đất, dễ trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, cam là loại cây cần độ ẩm cao, vì vậy để đạt năng suất, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước. Gia đình chị Hạnh cũng đã đầu tư hệ thống tưới tự động nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước cho toàn bộ vườn cam. Nếu chăm sóc tốt, cây cam có thể cho trái trong vòng 10 năm.

Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp nhận định: Đây là mô hình mới tại địa bàn xã nên khi thấy gia đình chị Hạnh trồng thử nghiệm, hội cũng chưa yên tâm. Tuy nhiên, vào mùa thu hoạch, nghe giá cả, nhìn sản lượng thì thấy cam là loại cây có giá trị kinh tế cao, cần được nhân rộng. Thời gian gần đây, hội đã phổ biến mô hình trồng cam để người dân biết, có thể đến tham quan, học hỏi và mở rộng diện tích đối với loại cây trồng có múi nhằm phát triển kinh tế gia đình.

Cây cam đã dần khẳng định được hiệu quả trong việc phát triển kinh tế của nông dân. Để mô hình này đem lại hiệu quả bền vững, ngành chức năng cần tạo điều kiện giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật, tìm nguồn cây giống chất lượng cũng như thị trường tiêu thụ ổn định để nhà vườn yên tâm sản xuất.

Hạ Băng

  • Từ khóa
39601

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu