Thứ 7, 20/04/2024 11:04:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:24, 07/10/2015 GMT+7

Thu 500 triệu đồng/2,3 ha đất với mô hình V.A.C

Thứ 4, 07/10/2015 | 13:24:00 506 lượt xem
BP - Là một nông dân chất phác, dám nghĩ, dám làm, ông Nhữ Đăng Ổn ở ấp Suối Cam, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) đã thành công với mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng (V.A.C) khép kín, là điển hình của xã với thu nhập 500 triệu đồng/năm.

Theo chân ông Lê Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Thành tới thăm mô hình V.A.C của hộ ông Ổn, chúng tôi không khỏi thán phục về thành quả kinh tế mà gia đình ông đạt được. Ngồi nhâm nhi ly trà, ông chia sẻ về quá trình xây dựng mô hình kinh tế, cũng như những khó khăn ban đầu khi về lập nghiệp trên mảnh đất này.

Năm 1990, gia đình ông từ Hà Nam vào Bình Phước lập nghiệp tại ấp Suối Cam. Với vốn ít ỏi, vợ chồng ông mua 3 sào đất canh tác. Ngoài thời gian làm vườn, vợ chồng ông còn làm thuê để có thêm thu nhập, dần ổn định cuộc sống và mở rộng diện tích.

Ông Ổn cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình 

Sau 5 năm tích lũy, gia đình ông mua thêm 2 ha đất. Có thêm đất canh tác, ông chọn giống nhãn da bò để trồng. Lúc ấy, mọi người trong ấp đều nói ông “làm ngược” vì thời điểm đó, mọi người đua nhau trồng điều và cao su. “Sau 4 năm, cây nhãn cho trái nhưng giá trị thu được chẳng là bao. Nhiều lúc nhìn cây nhãn tôi cũng nản lòng nhưng rồi lại nghĩ đã trồng cây gì thì phải bám lấy nó để phát triển, làm giàu từ cây đó, không thể chặt bỏ để thay thế cây trồng khác” - ông Ổn bộc bạch.

Để kinh tế gia đình phát triển bền vững, ngoài trồng nhãn, ông nghiên cứu, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, chăn nuôi heo theo hướng trang trại và đào ao thả cá. Kết hợp tận dụng phụ phẩm thức ăn để nuôi cá, trồng nhãn theo hướng an toàn... Ngoài việc tìm hiểu phương pháp sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông còn tìm đến những trang trại phát triển kinh tế hiệu quả ở khu vực lân cận để học hỏi cách làm.

Hiện mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của gia đình ông đã ổn định với 300 gốc nhãn, 20 gốc bưởi da xanh và gần 2.000m2 ao nuôi cá cùng diện tích chuồng trại gần 200m2 nuôi 50 con heo thịt mang lại thu nhập ổn định. Ông chia sẻ: “Mô hình V.A.C luôn mang lại hiệu quả cao nếu khai thác tốt. Chính nhờ cách làm này mà gia đình tôi nâng cao đời sống. Lợi ích của mô hình này là tạo nên vòng tròn khép kín. Chăn nuôi cung cấp thức ăn cho cá và phân bón cho nhãn; ao cá cung cấp nước tưới cho vườn nhãn và bùn ao làm tăng năng suất cho cây trồng... Tất cả đều góp phần mang lại cho gia đình tôi nguồn thu ổn định”.

Hiện 300 gốc nhãn được mùa cộng với giá cả ổn định, gia đình ông thu gần 400 triệu đồng. Ngoài ra, 20 cây bưởi da xanh (đã thu hoạch năm thứ 4) mỗi năm cũng thu về khoảng 40 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ cá và 50 con heo thịt.

Ông kể: “Có được kết quả như ngày nay là cả một hành trình nhiều gian khó. Những năm đầu, khi mới xây dựng mô hình V.A.C thấy không mấy khả quan do không nắm vững khoa học - kỹ thuật. Xác định, mấy vụ đầu coi như rút kinh nghiệm, gia đình tôi quyết tâm học hỏi và cải tạo lại mô hình”.

Hiện mô hình V.A.C của ông Ổn là một trong những cách làm ăn hiệu quả, điển hình của xã. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi năm, gia đình ông thu khoảng 500 triệu đồng từ mô hình này. Nhận xét về cách làm kinh tế của ông Ổn, ông Lê Văn Nhơn nói: Ông Ổn là hội viên nông dân cần cù và sáng tạo. Từ hiệu quả sản xuất không cao, qua quá trình học hỏi và tích lũy kiến thức, ông đã thành công với mô hình trang trại V.A.C khép kín. Ông hiện là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh 5 năm liền, là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi để mọi người học tập và làm theo.

Hữu Dụng

  • Từ khóa
39572

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu