Thứ 6, 29/03/2024 08:06:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:23, 13/07/2016 GMT+7

Để Luật Trưng cầu ý dân thực sự đi vào cuộc sống

Thứ 4, 13/07/2016 | 08:23:00 1,546 lượt xem

BP - Xét dưới góc độ pháp lý, trưng cầu ý dân là một trong những cách thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể - đây chính là hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp. Luật Trưng cầu ý dân đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp lần thứ 10 thông qua ngày 25-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Mặc dù đến bây giờ nước ta mới có Luật Trưng cầu ý dân, song việc làm này đã được tổ tiên chúng ta thực hiện cách đây 732 năm. Cụ thể, Hội nghị Diên Hồng năm 1284 là hình thức trưng cầu ý kiến các bô lão về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông xâm lược nước Đại Việt lần thứ hai.

Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bỏ phiếu biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Trong ảnh: Sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp - Ảnh: S.HCông dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bỏ phiếu biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Trong ảnh: Sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp - Ảnh: S.H

Về mặt pháp lý, trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Hiến pháp năm 1946, đã quy định về trưng cầu ý dân và gọi là phúc quyết về Hiến pháp và “những điều liên quan tới vận mệnh quốc gia” (Điều 21). Vấn đề trưng cầu ý dân sau đó được tái khẳng định trong các Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2013 (Điều 29). Và các quy định về trưng cầu ý dân trong các Hiến pháp đều xác định là một hình thức dân chủ trực tiếp, thực hiện qua bỏ phiếu phổ thông như bầu cử để trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo Luật Trưng cầu ý dân 2015, trừ khi bị kết án tử hình, phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, tính đến ngày trưng cầu ý dân, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bỏ phiếu biểu quyết các vấn đề: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước và các vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Luật Trưng cầu ý dân ra đời là một bước tiến đặc biệt quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Và qua đó, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực vào việc quyết định các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; góp phần thiết thực vào việc phản ánh các giá trị tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Điều được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng là Luật Trưng cầu ý dân ra đời đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đưa ra khuôn khổ pháp lý có tính bắt buộc đối với chính quyền các cấp trong việc lấy ý kiến nhân dân về những vấn đề quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, đến vận mệnh của đất nước trên tinh thần tiếp thu, cầu thị, dân chủ. Và vấn đề đặt ra ở đây là người dân cần làm gì khi được trưng cầu?

Để cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật, kết quả cuộc trưng cầu ý dân phản ánh đúng thực chất ý chí, nguyện vọng của cử tri, đồng thời để phòng ngừa vi phạm có thể xảy ra, ngoài trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân và công dân cần đề cao vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Đồng thời, mỗi công dân cần tìm hiểu kỹ về vấn đề được trưng cầu ý dân để đưa ra những ý kiến có giá trị; tham gia ý kiến với tinh thần, thái độ hết sức khách quan, công tâm; biết đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân.

Và điều quan trọng hơn cả là mỗi công dân không được thực hiện các hành vi: Tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về nội dung, ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân; dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép, cản trở làm cho cử tri không thực hiện hoặc thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân trái với mong muốn của mình; giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân; lợi dụng việc trưng cầu ý dân để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân; vi phạm quy định về bỏ phiếu, kiểm phiếu trưng cầu ý dân bởi bất cứ hành vi vi phạm nào tùy theo tính chất, mức độ vi phạm đều sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đó là những quy định được nghiêm cấm trong Luật Trưng cầu ý dân, nhưng chắc chắn trong thực hiện luật này sẽ không tránh khỏi khó khăn, những vấn đề phát sinh không có lợi, đặc biệt là việc các thế lực thù địch lợi dụng trưng cầu ý dân, lợi dụng các trang mạng xã hội và internet để tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về nội dung, ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân. Thậm chí, chúng sẵn lòng dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để cản trở cử tri không thực hiện hoặc thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân trái với mong muốn của mình. Và đây thực sự là “vật cản” đáng lo ngại nhất khi Luật Trưng cầu ý dân đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, mỗi người Việt Nam cần cảnh giác với những hành vi lợi dụng việc trưng cầu ý dân để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân...

N.V

  • Từ khóa
2473

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu