Thứ 6, 29/03/2024 18:26:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:18, 30/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Thời hiệu của quyền chia thừa kế

Thứ 6, 30/01/2015 | 09:18:00 1,887 lượt xem
BP - Thời hiệu khởi kiện về thừa kế, tại Điều 645 của Bộ luật dân sự hiện hành có quy định như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Như vậy, sau thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết), người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác; và sau thời hạn 3 năm, cá nhân, tổ chức không còn quyền khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại.

Với quy định về thời hiệu như trên, có không ít trường hợp mặc dù là đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất, nhưng không được phân chia tài sản của người chết để lại, vì hết thời hiệu. Và việc này đã dẫn tới không ít trường hợp khiếu kiện kéo dài, khó giải quyết. Để khắc phục những bất cập về thời hiệu khởi kiện thừa kế hiện nay và phù hợp với quyền của người thừa kế, người khác có liên quan đến di sản và những đặc thù về văn hóa, tính chất của di sản, trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi đã quy định thời hạn yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này mà không có yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Cụ thể, tại Điều 646 trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi có quy định như sau: 1. Thời hạn yêu cầu tòa án giải quyết việc thừa kế là ba mươi năm đối với bất động sản, mười năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. 2. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản theo quy định tại Khoản 1 điều này thì di sản được giải quyết như sau: a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai nếu việc chiếm hữu, được lợi phù hợp với quy định tại Điều 177 và Điều 178 của bộ luật này; b) Di sản thuộc về Nhà nước nếu không có người khác chiếm hữu hoặc được lợi về di sản theo quy định tại Điểm a khoản này.

Với quy định như trên, tôi hoàn toàn tán thành vì tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận thì đều phải được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm kịp thời; đồng thời qua đó sẽ nâng cao trách nhiệm của tòa án, của các cơ quan có thẩm quyền khác trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, sự ổn định của các quan hệ dân sự và để phù hợp hơn với bản chất pháp lý của thời hiệu. Hơn nữa, quy định như trong dự thảo nêu trên là đã tuân thủ đúng nguyên tắc: Đó là, mọi cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án, trọng tài giải quyết vụ, việc dân sự trong thời hạn luật định, nếu hết thời hạn đó mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết yêu cầu của cá nhân, pháp nhân như quy định hiện hành, tòa án hoặc trọng tài vẫn thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Người được hưởng quyền dân sự có quyền từ chối việc hưởng quyền, người được miễn trừ nghĩa vụ dân sự có quyền từ chối việc miễn trừ nghĩa vụ, trừ trường hợp việc từ chối đó có mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hoặc vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội.

Do đó, quy định về thời hiệu thừa kế như trên là phù hợp, vừa tránh được tình trạng kiện tụng liên miên, kéo dài và gây bất ổn định cho quyền tài sản của người sử dụng tài sản thừa kế vừa kéo dài “tuổi thọ” của bộ luật sau khi được Quốc hội thông qua.

Như Nhuệ

  • Từ khóa
12523

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu