Thứ 6, 29/03/2024 08:06:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 00:00, 02/08/2011 GMT+7

Trưng bày, giới thiệu cổ ngọc Việt đến công chúng

Thứ 3, 02/08/2011 | 00:00:00 271 lượt xem
Triển lãm chuyên đề "Cổ ngọc Việt Nam" giới thiệu bộ sưu tập ngọc quý hiếm do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc ngày 2-8 tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

>> Ngỡ ngàng với cổ ngọc Việt

Chậu ngọc trắng xanh nhiều màu bịt vàng thời Nguyễn
Đây là lần đầu tiên, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam giới thiệu đến công chúng trong nước, bạn bè quốc tế một phần trong bộ đại sưu tập cổ ngọc Việt Nam mà Bảo tàng đang sở hữu nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Trong lần trưng bày đầu tiên này, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam giới thiệu đến công chúng các hiện vật bằng ngọc quý hiếm với số lượng lớn, hình dạng, màu sắc phong phú có từ thời tiền-sơ sử cho tới đầu thế kỷ XX.

Ở phần cổ ngọc tiền-sơ sử bao gồm các loại công cụ, vũ khí, đặc biệt là đồ trang sức như vòng tay, khuyên tai, chuỗi hạt tìm được trong các di chỉ văn hóa khảo cổ học như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn ở các tỉnh phía Bắc; văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo ở các tình miền Trung, miền Nam.

Nhiều công xưởng chế tác đồ đá và ngọc đã được phát hiện, khai quật như Bãi Tự (Bắc Ninh), Đầu Rằm (Quảng Ninh), Tràng Kênh (Hải Phòng)... cùng nhiều nơi khác đã chứng minh rằng Việt Nam có nguồn nguyên liệu và kỹ thuật chế tác đồ ngọc từ rất lâu đời.

Ở phần cổ ngọc giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên giới thiệu tới công chúng các đồ ngọc thường xuất hiện trong các ngôi mộ gạch có niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ III bao gồm các loại hình gắn với táng tục như khâu đeo lưng, các loại vật đeo, nghiên mực, tượng rồng, tượng thú, tượng ve sầu, tượng cá... Các hiện vật thời kỳ này thể hiện rõ sự giao lưu văn hóa với phương Bắc và phong tục tín ngưỡng của nhân dân ta thời kỳ đó.

Tiếp theo là phần cổ ngọc các triều đại Lý - Trần - Lê đến thời nhà Nguyễn. Tuy nhiên, phần cổ ngọc giai đoạn Lý - Trần - Lê còn khuyết trống nhiều do nguyên nhân lịch sử nhưng đến bộ sưu tập cổ ngọc triều Nguyễn hội tụ rất nhiều chủng loại, số lượng lớn, đặc biệt là cổ ngọc thuộc cung đình Huế.

Trong số này hiện Bảo tàng đang giữ một bộ ngọc tỷ (ấn) 18 chiếc, có niên đại thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, trong đó có nhiều ngọc tỷ khắc niên đại tuyệt đối, có 6 chiếc lần đầu tiên được công bố. Đặc biệt phần cổ ngọc triều Nguyễn giới thiệu đến công chúng các loại đồ dùng bằng ngọc của hoàng cung với chế tác công phu, tỉ mỉ, đạt đến độ tinh xảo.

Đáng chú ý là các chủng loại có khắc minh văn như trên thẻ bài, phiến ngọc, nghiên mực có khắc thơ của vua Thiệu Trị; các bộ đồ trà chạm khắc hoa văn như ý, viên long, rồng đuôi xoáy, phượng hoàng, quả đào tượng trưng cho Phúc - Thọ... đều phổ biến trên nhiều loại cổ ngọc và trở thành đặc điểm nhận diện riêng của nghệ thuật cung đình Huế, không thể nhầm lẫn thành đồ ngọc của Trung Quốc.

Bên cạnh đó còn có bộ tượng "Bát tiên" bằng ngọc trắng cũng được các nghệ nhân Việt Nam sáng tạo theo cách nhìn của người Việt...

Bộ sưu tập cổ ngọc thời Nguyễn đã phản ánh trình độ kỹ kỹ thuật, sự tài hoa khéi léo tột bậc của người thợ thủ công truyền thống của Việt Nam, đồng thời thể hiện giá trị độc đáo, hiếm quý của các hiện vật gắn với lịch sử vương triều Nguyễn.

Cũng nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã biên soạn và xuất bản cuốn sách "Cổ ngọc Việt Nam" bằng song ngữ Việt-Anh, nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống chế tác đồ ngọc ở Việt Nam, góp phần quảng bá một phần kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

(Theo TTXVN)
  • Từ khóa
87588

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu