Thứ 5, 28/03/2024 16:15:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:41, 27/12/2019 GMT+7

Thêm giải pháp ngăn chặn tín dụng đen

Lâm Phương
Thứ 6, 27/12/2019 | 08:41:00 333 lượt xem

BP - Tín dụng đen là hình thức cho vay với lãi suất vượt quá nhiều lần so quy định của Nhà nước. Thời gian qua, tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an kiểm soát chặt, xử lý nghiêm nạn tín dụng đen và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Lực lượng công an cũng đã vào cuộc quyết liệt, khởi tố nhiều vụ án lớn, nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà còn hoạt động với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn.

Vậy nguyên nhân từ đâu? Trước hết là tín dụng tiêu dùng góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy thị trường, đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa, nhưng rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này lớn, bởi các khoản vay thường là tín chấp hoặc có tài sản bảo đảm giá trị thấp..., dẫn đến các ngân hàng thương mại không mấy mặn mà. Mặt khác, nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng gia tăng, nhưng nhiều người ngại vay vốn ngân hàng vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và phải có tài sản thế chấp. Trong khi tín dụng đen luôn chủ động tìm khách hàng với những lời mời chào “có cánh”, dẫn đến rất nhiều khách hàng bị “sập bẫy”, từ đó lãi mẹ đẻ lãi con, với số vốn vay vài chục triệu chỉ sau thời gian ngắn thành vài tỷ đồng và không ít gia đình đã “tán gia bại sản”.

Nhằm đẩy lùi tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Không chỉ đưa ra lộ trình dài hơi và “cởi mở” hơn, thông tư còn gỡ khó cho các công ty tài chính có tỷ trọng giải ngân tiền mặt lớn. Đáng lưu ý là các công ty tài chính được giải ngân trực tiếp các khoản vay dưới 20 triệu đồng, giúp đẩy mạnh hoạt động tại các vùng nông thôn với nhiều món vay tiêu dùng nhỏ lẻ, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Thông tư số 18/2019/TT-NHNN còn bổ sung nhiều quy định mới như: Các công ty tài chính thu hồi và nhắc khách hàng trả nợ phải phù hợp với đặc thù từng khách hàng; bên thu hồi nợ không được đe dọa khi thu hồi nợ; cấm bên đòi nợ gửi thông tin khách hàng có nợ đến tổ chức hoặc cá nhân không có nghĩa vụ nợ và công ty tài chính phải bảo mật thông tin khách hàng vay vốn... Điều này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện để các công ty tài chính là một kênh chính thức hỗ trợ vốn với lãi suất hợp lý phục vụ đời sống nhân dân.

Thông tư số 18/2019/TT-NHNN có hiệu lực không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng chính thức mà còn là giải pháp ngăn chặn tín dụng đen hiệu quả. Tuy nhiên, việc mở cửa cho vay tiêu dùng không có nghĩa là dễ dãi, bởi ngân hàng hay công ty tài chính đều là doanh nghiệp, phải đảm bảo nguyên tắc quản trị rủi ro, nhất là đối với những người không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh. Ngoài tác động của Thông tư số 18/2019/TT-NHNN, để ngăn chặn tín dụng đen hiệu quả, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an với ngân hàng cùng ngành chức năng và địa phương trong đấu tranh xử lý sai phạm, đồng thời người dân phải mạnh dạn đấu tranh tố giác tội phạm.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu