Thứ 6, 19/04/2024 13:05:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:36, 19/09/2019 GMT+7

“Thầy say nghề, học trò sẽ say học”

Thứ 5, 19/09/2019 | 14:36:00 2,827 lượt xem
BP - Đó là chia sẻ của cô Phạm Lê Trang Đài, giáo viên môn Sử, Trường THPT chuyên Quang Trung, thành phố Đồng Xoài, người đã khiến các thế hệ học sinh yêu thêm từng trang sử nước nhà.

Ở độ tuổi 50 với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực “trồng người”, cô Phạm Lê Trang Đài đã có những thành tích xuất sắc, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh và Sở GD-ĐT tặng bằng khen, giấy khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, khi cả nước có điểm trung bình môn Sử 4,2 thì các lớp do cô Trang Đài giảng dạy, điểm trung bình của thí sinh xét tốt nghiệp đạt 6,2 và xét tuyển đại học đạt 8,2. Vào nghề từ năm 1998, đến nay cô Trang Đài cùng các giáo viên trong trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn học sinh với những thành tích đáng nể về môn Sử như: 47 giải học sinh giỏi cấp quốc gia, trong đó có 9 giải nhì, 17 giải ba và 21 giải khuyến khích. Với cô Trang Đài, cách làm học sinh yêu thích môn học chính là “Cô say nghề, trò say học”.

Cô Phạm Lê Trang Đài hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập môn Sử

Trước khi làm giáo viên môn Sử, cô Trang Đài từng là sinh viên Khoa Ngữ văn Nga, Trường đại học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và có tới 6 năm là giáo viên giảng dạy môn ngoại ngữ của một trường cấp 2 trong tỉnh. Trở thành giáo viên môn Sử, theo cô Đài đó cũng là do “nghề chọn người”. “Khi đó, trường thiếu giáo viên dạy môn Sử nên tôi chuyển sang dạy và theo luôn đến tận bây giờ” - cô chia sẻ.

Nói về kỷ niệm của những ngày đầu tiên dạy môn học “khó nhằn”, cô Trang Đài cho biết: “Tiết giảng đánh dấu sự nghiệp của mình là Bài 38: Quốc tế thứ nhất và Công xã Paris 1871 (SGK Lịch sử lớp 10, trang 192). Khi dạy xong, tôi hỏi lại học trò về tiết học và nghe nhận xét của các em. Học trò khen và bảo cô cứ dạy như vậy. Thế là tôi cố gắng tiết sau phải dạy hay hơn tiết trước, để học sinh không thất vọng”.

Khi được hỏi về phương pháp dạy học, cô chia sẻ: “Phương pháp tốt nhất đó chính là kết hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau”. Theo đó, trong mỗi tiết dạy, cô Trang Đài thường “biến” mỗi học sinh thành một chuyên gia trong lĩnh vực nhất định, như chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn lịch sử 1936-1939. Qua đó, học sinh sẽ dựa trên năng lực và sự chuẩn bị của bản thân để trình bày những quan điểm, ý kiến riêng; sau cùng cô mới nhận xét bổ sung và không đánh giá đúng, sai. Phương pháp thứ hai được cô áp dụng là tạo cho học sinh “một sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các sự kiện lịch sử. Khi mọi thứ đã được xâu chuỗi, học sinh sẽ dễ nắm bắt, hiểu vấn đề nhanh hơn mà không cảm thấy ôm đồm quá nhiều, từ đó sẽ không “ngán” môn Sử.

Cô Trang Đài cho rằng, giáo viên dạy Sử nên làm cho học sinh say mê và yêu thích từng tiết dạy của mình: “Nếu thực sự là người thầy thì phải tạo ra sự yêu thích môn học cho học sinh. Vậy nên, trước hết, người thầy muốn dạy tốt thì phải yêu nghề, phải đầu tư vào từng tiết dạy. Mình yêu thích và say mê với nghề thì học trò sẽ hứng thú tiếp thu tốt bài giảng của mình”.

Trong tất cả phương pháp dạy học của mình, cô Trang Đài coi trọng nhất việc cập nhật tin tức thường xuyên cho học sinh: “Tất cả vấn đề đều có nguồn gốc lịch sử nhưng phải liên hệ thực tế hiện nay như thế nào? Vấn đề lịch sử đó được vận dụng ra sao? Thông tin thời sự trong nước và thế giới có gì đáng lo ngại... đó mới là những điều học sinh thích và thực sự cần. Nếu mình chỉ dạy trong sách giáo khoa thì học sinh tự đọc cũng biết rồi. Khi thời lượng học tập ngày càng nhiều, các em càng có ít thời gian đọc báo và xem thời sự. Vì vậy, khi tiết Lịch sử trở thành một tiết học bổ ích thì học sinh sẽ say mê”. Cũng theo cô, kỳ thi THPT quốc gia hiện nay đã được cải cách, môn Sử không còn đặt nặng về số liệu, ngày tháng năm. Vì thế, giáo viên nên biết cách làm mới giáo án của mình, bỏ đi những gì không cần thiết thay vì bắt học sinh ôm đồm tất cả kiến thức trong sách giáo khoa.

Em Ngô Thị Phương Nam, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung 2 năm liên tiếp đạt giải nhì học sinh giỏi cấp quốc gia môn Sử và đạt 9,75 điểm môn Sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Phương Nam cho biết: “Cô Trang Đài có phương pháp dạy rất đặc biệt. Cô làm cho em thấy lịch sử trở nên sống động, không khô khan và quá nhiều kiến thức, tất cả sự kiện đều được liên kết với nhau nên rất dễ học. Thỉnh thoảng cô lại lồng ghép những câu chuyện thực tế vào bài học nên trong tiết ai cũng hứng thú”.

Còn Thanh Nguyệt, sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, học trò cũ của cô Trang Đài, nói: “Sử vốn là môn học có rất nhiều sự kiện, khô khan, nhưng học sử theo cách của cô Đài thì lại khác. Cô dạy như đang kể chuyện nên chẳng ai thấy chán. Các sự kiện được xâu chuỗi với nhau, dễ nhớ, dễ học và đặc biệt cô còn cho học sinh thấy nhiều khía cạnh khác trong mỗi sự kiện nên ai cũng thích”.

Học sinh chính là động lực cho mỗi giáo viên đến lớp. Các em ham học thì giáo viên sẽ đầu tư nhiều hơn cho tiết dạy của mình. Khi nghe những ý kiến trái chiều xoay quanh việc điểm thi Sử thấp nhất trong các môn học của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cô Trang Đài trăn trở: “Nói học sinh “thực dụng” với Lịch sử khiến điểm thi thấp, điều này chưa chắc đã đúng hoàn toàn. Nếu chỉ đổ lỗi cho học sinh thì cũng không đúng, quan trọng là chúng ta, những giáo viên cần làm tốt vai trò của mình, say mê với nghề để giúp các em yêu thích môn học”.

N. Hằng - V. Thuyên

  • Từ khóa
2316

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu