Thứ 6, 19/04/2024 10:23:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:32, 29/05/2020 GMT+7

Thay đổi tư duy từ đại dịch

Lâm Phương
Thứ 6, 29/05/2020 | 09:32:00 255 lượt xem
BPO - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Đây được coi là lợi thế lớn trong việc làm thay đổi tư duy người dân về thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát và lây lan rộng trên toàn thế giới.

Ngày 30-12-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Sau gần 4 năm thực hiện, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực, như: Cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán trên toàn quốc; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử được phát triển mạnh, đa dạng và hầu hết các sản phẩm, phương tiện thanh toán mới, hiện đại đều được nghiên cứu, triển khai tại Việt Nam nên thanh toán qua thiết bị di động có tốc độ tăng trưởng mạnh...

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp, bởi gần 80-90% giao dịch thanh toán vẫn qua kênh tiền mặt. Mặc dù nhận thức rõ các lợi ích của thanh toán online nhưng vì tính tiện dụng của tiền mặt, phần lớn người dân vẫn giữ thói quen bỏ tiền trong bóp. Chỉ đến khi tiền mặt trở thành ổ bệnh tiềm tàng trong mùa dịch, thói quen này mới được thay đổi triệt để. Điều này cho thấy, một thói quen khó bỏ nhưng vẫn có thể thực hiện được và làm thay đổi tư duy người sử dụng không qua giáo dục hay tuyên truyền mà chỉ từ virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh và vô cùng nguy hiểm. Chính dịch bệnh đã tạo nên cú hích để toàn dân khám phá sức mạnh và sự tiện dụng của dịch vụ trực tuyến trong mọi lĩnh vực, trong đó có thanh toán trực tuyến. Hiện đi đến đâu, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân thực hiện các giao dịch trực tuyến trên điện thoại, máy vi tính hay thanh toán bằng thẻ ATM qua máy POS.

Tuy nhận thức rõ tiện ích loại hình này mang lại nhưng qua tìm hiểu được biết, hiện việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân. Nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; việc thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn khiêm tốn... Ngoài ra, các loại tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây cũng diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn...

Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, rất cần có hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Cơ quan chức năng cần có các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán. Trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động an ninh, an toàn, hiệu quả... Nhất là phải xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử và kịp thời xây dựng giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tương tự tái diễn.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu