Thứ 5, 25/04/2024 08:00:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:32, 05/03/2020 GMT+7

Thật sự “do dân, vì dân” và ngược lại

Trần Phương
Thứ 5, 05/03/2020 | 08:32:00 225 lượt xem

BPO - Ngày 3-3, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí về việc có ý kiến Hải Phòng dùng 269 tỷ đồng ngân sách tặng quà nhân dân nhân kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng thành phố là lãng phí, không cần thiết. Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho biết chủ trương này đã được HĐND TP. Hải Phòng biểu quyết thông qua ngày 28-2-2020, quà tặng là bộ ấm chén và cờ Tổ quốc cho hơn 587.000 hộ dân, mỗi suất trị giá không quá 500.000 đồng, thời gian tặng bắt đầu từ tháng 5 và hoàn thành trong tháng 6-2020.

Hải Phòng là địa phương cuối cùng của miền Bắc được giải phóng (ngày 13-5-1955) sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneve năm 1954. Ngày nay, Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước và có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, Hải Phòng chỉ có dân số 2 triệu người nhưng thu ngân sách tới 90 ngàn tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu chiếm 61%; tốc độ tăng trưởng kinh tế 16,68% - gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước; thu nhập bình quân 122,1 triệu đồng/người... Hầu hết các con số về kinh tế ở mọi góc độ của Hải Phòng đều trong số 3-4 địa phương đứng đầu cả nước. Dẫn ra các con số đó để thấy việc TP. Hải Phòng chi số tiền 269 tỷ đồng tặng nhân dân món quà ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm đáng nhớ không phải là lớn và cũng không phải khó. Tuy nhiên, đây cũng chưa phải lý do lớn nhất hay duy nhất cho quyết sách này của TP. Hải Phòng.

Bộ ấm chén và cờ Tổ quốc không phải là những món quà đầu tiên TP. Hải Phòng tặng nhân dân. Trước đó còn là hàng loạt “món quà” khác, như miễn học phí đối với học sinh tất cả bậc học, miễn tiền cầu phà cho nhân dân huyện đảo Cát Hải... cũng đã được triển khai và nhận được sự đồng tình rất cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân Hải Phòng. Bởi lẽ, tất cả những quyết định đó đều dành cho nhân dân, phục vụ nhân dân thật sự, rõ ràng, không làm lợi cho ai ngoài những người trực tiếp được hưởng chính sách ấy.

Không khó nhận thấy vì sao những chủ trương như thế sẽ nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao và ngược lại. Ví như cũng số tiền từ nguồn ngân sách nhà nước ấy nhưng có địa phương lại dành để lắp camera cho nhà riêng cán bộ lãnh đạo với lý do... phòng chống hối lộ; có địa phương ngược lại với miễn, lại tăng rất nhiều loại phí... Có những địa phương dùng tiền ngân sách chi những dự án chỉ mang lại lợi ích cho một ai đó hoặc một nhóm lợi ích nào đó, thậm chí chi chỉ để được chiết khấu lại tỷ lệ phần trăm cao mà không cần biết nó mang lại hiệu quả hay không, nó đi tới đâu. Có địa phương quản lý yếu kém để cán bộ biến chất bòn rút ngân sách nhà nước, tham ô, trục lợi hoặc “cố ý làm trái” tiếp tay cho chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Có trường hợp núp bóng doanh nghiệp tài trợ chương trình an sinh nhưng thực chất là một thỏa thuận ngầm “đôi bên cùng có lợi”... Rất nhiều trường hợp dẫn chứng cho điều đó, cả trường hợp đã bị khởi tố, kết tội, công khai trước dư luận, trước nhân dân, cả trường hợp đang được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra hoặc đang theo dõi, đang xử lý...

Bất kỳ chủ trương, chính sách, quyết định nào, nếu thật sự “do dân, vì dân”, nhân dân sẽ không khó nhận ra và luôn ủng hộ, thậm chí ban đầu có thể chưa nhận ra nên không hài lòng, nhưng khi nhận ra sẽ được nhân dân “biểu quyết bằng cả 2 tay”. Ngược lại, chủ trương, chính sách nào không vì dân hay không thật sự vì dân, không mang lại lợi ích thực sự cho nhân dân, thì cho dù có “dân túy” dưới một vỏ bọc hoàn hảo đi nữa trước sau nhân dân cũng nhận ra.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu