Thứ 5, 25/04/2024 23:04:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 14:19, 14/10/2020 GMT+7

Thành tựu nổi bật của ngành khoa học và công nghệ

Hiền Lương
Thứ 4, 14/10/2020 | 14:19:00 2,646 lượt xem
BPO - Khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn được xác định giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta, là nguồn lực không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, giải pháp quan trọng Bình Phước thực hiện trong những năm qua là nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả KH&CN vào sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao. Đến nay, Bình Phước đã đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực KH&CN cũng như việc triển khai áp dụng các ứng dụng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

KH&CN bám sát nhiệm vụ kinh tế - xã hội

Thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong giai đoạn 2016-2020, Sở KH&CN Bình Phước đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành 30 văn bản quản lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển KH&CN. Rà soát kịp thời cập nhật văn bản mới, công khai thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc kê khai, tạo môi trường thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, sở đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp để chung tay cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử. 

Trong 5 năm qua (2016-2020), công tác chỉ đạo thực hiện áp dụng ISO hành chính công cho các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng. Tính đến nay, 100% đơn vị hành chính, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001.

Giám đốc Sở KH&CN Đặng Hà Giang (giữa) kiểm tra hoạt động tại doanh nghiệp KH&CN tỉnh - Công ty TNHH TMDV Công nghệ mới, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc

Sở KH&CN cũng đã phối hợp triển khai thực hiện 42 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 52 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở. Nhìn chung, các hoạt động KH&CN đã và đang phát triển theo định hướng tăng cường ứng dụng KH&CN gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, củng cố và phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh theo định hướng tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các đối tượng kinh tế tập thể, từ đó góp phần thúc đẩy hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển KH&CN nói riêng và kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Một số sản phẩm đặc thù của địa phương như hạt điều, cao su, nhãn tiêu da bò, gà thả vườn...  đã được ngành KH&CN hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN. Ngành KH&CN cũng luôn quan tâm, hỗ trợ ứng dụng một số tài sản trí tuệ tiêu biểu của nhân dân vào thực tiễn. Điển hình như hạt điều Bình Phước đã đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ Bộ KH&CN vào tháng 5-2018. Đến nay, Sở KH&CN đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho 7 doanh nghiệp trên lĩnh vực chế biến hạt điều xuất khẩu. Nhãn tiêu da bò và gà thả vườn Thanh Lương, thị xã Bình Long cũng được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể vào tháng 10-2019.

Hỗ trợ doanh nghiệp, khơi sức sáng tạo

Để giúp các doanh nghiệp phát triển, từ năm 2016 đến nay, cùng với kinh phí của tỉnh, Sở KH&CN đã tranh thủ nguồn lực của Trung ương và các doanh nghiệp, hộ dân tham gia đầu tư ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, đã thực hiện 2 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi do Bộ KH&CN hỗ trợ, đầu tư. Tổng kinh phí 2 dự án 16 tỷ 500 triệu đồng, trong đó kinh phí từ Trung ương 7 tỷ 690 triệu đồng.

Để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh tiếp thu tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, việc trích lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp đã được thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp cao su đã thực hiện xây dựng và thành lập quỹ phát triển KH&CN. 3 doanh nghiệp được vay vốn từ quỹ phát triển KH&CN.

Là một trong 5 doanh nghiệp KH&CN của tỉnh, Công ty TNHH TMDV Công nghệ mới, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành đã biến chất thải nguy hại như cao su và nhựa thành dầu FOR và than hoạt tính. Với 5 lò đốt, công suất 50 tấn nguyên liệu mỗi ngày, 1 năm công ty sản xuất được hơn 10.000 lít dầu FOR, dùng làm nhiên liệu đốt trong lò hơi, lò sấy, lò tải nhiệt và 5.000 tấn than bán cho các nhà máy sản xuất gạch tuynel. Công nghệ xử lý rác thải của công ty được thiết kế theo dạng kín, kết nối thành một hệ thống dây chuyền, sử dụng máy móc và tự động hóa là chủ yếu. Khói thải đều được xử lý và đưa ra ngoài. Hiện nay, mô hình “biến rác thải thành tiền” của công ty đang vận hành tốt, được nhiều người đến tham quan học hỏi. 

Giai đoạn này, việc khơi dậy phong trào thi đua sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân được ngành KH&CN chú trọng và gặt hái nhiều kết quả nổi bật thông qua kết quả tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng. Đặc biệt, cuộc thi sáng tạo robocon mini tỉnh Bình Phước năm 2019 đã thu hút 35 đội thuộc 27 trường cao đẳng, THPT trên địa bàn tham gia.

5 năm một nhiệm kỳ, những thành tựu của ngành KH&CN tỉnh Bình Phước tuy chưa thực sự xuất sắc như một số tỉnh, thành khác nhưng đã có sự đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cùng tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.

  • Từ khóa
99307

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu