Thứ 5, 28/03/2024 21:27:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:54, 14/03/2018 GMT+7

Thanh niên vùng biên khởi nghiệp từ sản xuất nước tinh khiết

Thứ 4, 14/03/2018 | 06:54:00 1,194 lượt xem
BP - Tốt nghiệp Đại học Bình Dương chuyên ngành Công nghệ sinh học, Phạm Thế Sơn (SN 1989, ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp) được nhận vào làm việc tại Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh. Thích kinh doanh, cộng với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2012 anh trở về Tân Tiến khởi nghiệp từ sản xuất nước tinh khiết.

Sau vài lần lỡ hẹn, tôi cũng gặp được anh Phạm Thế Sơn ở cơ sở sản xuất nước tinh khiết tại ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến. Dù là ông chủ của xưởng sản xuất có cả chục công nhân nhưng từ khâu súc bình, bơm nước, đóng chai đến lái xe đều do một tay anh quán xuyến nên lúc nào cũng tất bật với công việc. Anh chia sẻ: “Nhận thấy nhu cầu sử dụng nước tinh khiết của người dân rất lớn, trong khi ở địa phương chưa có nhiều cơ sở sản xuất nên tôi quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Thời gian đầu vận hành dây chuyền, vừa làm vừa hướng dẫn kỹ thuật cho anh em công nhân nên năng suất không cao. Sau khi quen việc, anh em đã biết vận hành đúng kỹ thuật, hiệu quả sản xuất ngày một nâng cao”.

Anh Phạm Thế Sơn (trái) giới thiệu về dây chuyền tự động sản xuất nước sử dụng công nghệ lọc nước hiện đại theo tiêu chuẩn RO

Năm 2012, anh Sơn tốt nghiệp đại học. Cũng như nhiều sinh viên mới ra trường, anh cố gắng tìm kiếm cơ hội để bám trụ thành thị. Thời gian đó, anh trải qua nhiều công việc khác nhau và được Công an tỉnh nhận vào làm việc. Đó là niềm ao ước của bao người, tuy nhiên mong ước về quê khởi nghiệp của anh chưa bao giờ tắt.

Trở về quê, cuộc sống không hề dễ dàng so với tưởng tượng của anh. Nhờ mảnh đất gia đình có sẵn, từ số tiền tích góp sau 2 năm đi làm và sự ủng hộ của bạn bè, anh vay thêm ngân hàng để xây xưởng sản xuất, đầu tư trang thiết bị, máy móc, hoàn thiện thủ tục hành chính, chứng nhận chất lượng sản phẩm... với tổng kinh phí đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ đồng. Từ đó, cơ sở sản xuất nước tinh khiết Thế Sơn với nhãn hàng “SAMAKI” ra đời.

Để làm ra sản phẩm bảo đảm chất lượng đã khó, nhưng tìm được đầu ra còn khó hơn, nhất là với thị trường nông thôn. Với lợi thế là người địa phương, anh lặn lội đến gõ cửa từng tiệm tạp hóa, nhà dân... trên địa bàn để thuyết phục và tặng sản phẩm dùng thử. Anh từng bước mở rộng thị trường, số lượng sản phẩm bán ngày càng ổn định. Anh Sơn cho biết thêm: “Khâu quan trọng nhất trong quy trình sản xuất nước sạch đóng bình là súc, rửa bình phải bảo đảm sạch, tiệt trùng. Công đoạn này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, nếu súc bình không kỹ thì nước dù đạt chất lượng cũng sẽ có mùi hôi. Tôi luôn lấy uy tín, chất lượng, sự hài lòng của khách hàng làm phương châm hàng đầu”. Hiện trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh cung cấp ra thị trường hàng ngàn bình nước loại 20 lít và hàng chục ngàn chai nước từ 350ml đến 1,5 lít. Mỗi năm anh thu về từ sản xuất - kinh doanh nước uống trên 1 tỷ đồng.

Với phương châm luôn tìm tòi, học hỏi cái mới, đầu năm 2018, anh Sơn mạnh dạn đầu tư hệ thống sản xuất nước đóng chai cao cấp trên dây chuyền tự động sử dụng công nghệ lọc nước RO nhập khẩu từ Nga với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Từ việc ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền lọc nước này có thể hoạt động tự hành, tiết kiệm chi phí nhân sự, nguồn nước đầu vào và 30% điện năng tiêu thụ mà hiệu quả sản xuất vẫn cao. Đồng thời, giúp loại bỏ đến 99,99% các loại độc tố, chất cặn bã và vi khuẩn có trong nước. Các sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, giá thành hợp lý nên ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng. Không chỉ cung cấp tại địa bàn, nhãn hiệu nước tinh khiết “SAMAKI” được nhiều khách hàng ở các huyện lân cận biết và tìm đến đặt hàng.

Hiện nay, mặt bằng sản xuất cơ sở lên tới hơn 600m2, chia thành 2 khu sản xuất riêng biệt: một khu sản xuất nước tinh khiết cao cấp và một khu xưởng sản xuất nước bình dân, tất cả đều được bố trí khoa học. Dự kiến năm 2018, tổng doanh thu cơ sở của anh Sơn vượt ngưỡng 1 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng. Anh còn hỗ trợ nơi ăn, chỗ ở ổn định, giúp công nhân yên tâm lao động sản xuất. Công nhân Trần Văn Quân cho biết: “Em làm ở đây đã 2,5 năm. Công việc phù hợp với sức lao động của em. Anh Sơn cũng quan tâm chu đáo, tết, lễ đều có thưởng, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ nên công nhân ai cũng gắn bó”.

Không chỉ hăng hái đi đầu trong phát triển kinh tế, anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, quyên góp ủng hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi. Anh cũng nhiệt tình tham gia phong trào đoàn thanh niên tại cơ sở và được các thành viên trong công ty tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn Công ty SAMAKI.

Bí thư Huyện đoàn Bù Đốp Hồ Bá Toàn cho biết: Phạm Thế Sơn là thanh niên tiêu biểu. Anh luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa bàn, hỗ trợ rất nhiều cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của huyện. Trong những chương trình, hoạt động đoàn đều có sự đóng góp tích cực của anh. Thời gian qua, Huyện đoàn đã phát động nhiều phong trào khởi nghiệp, trong đó mô hình kinh tế của anh Phạm Thế Sơn mang lại hiệu quả cao.

Đức Trung

  • Từ khóa
38469

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu