Thứ 5, 28/03/2024 17:00:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:03, 25/01/2019 GMT+7

Thận trọng nhưng quyết liệt trong triển khai và thực hiện Đề án 999

Thứ 6, 25/01/2019 | 06:03:00 2,309 lượt xem

BP - LTS: Ngày 10-4-2018, Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 999-QĐ/TU (gọi tắt là Đề án 999) về thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII để triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh. Điều đáng mừng là qua kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ và cho rằng việc triển khai thực hiện Đề án 999 là rất cần thiết. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, thực hiện với quyết tâm cao. Và theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 999-QĐ/TU ngày 10-4-2018 của Tỉnh ủy thì việc thực hiện đã mang lại kết quả thiết thực, bộ máy của hệ thống chính trị bước đầu có sự đổi mới, sắp xếp tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Báo Bình Phước trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc về những nội dung chính trong dự thảo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Công tác triển khai, quán triệt và tuyên truyền được chú trọng

Để thực hiện có hiệu quả cao Quyết định số 999-QĐ/TU, một trong những nhiệm vụ được Tỉnh ủy chú trọng ưu tiên hàng đầu đó là công tác triển khai, quán triệt và tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW và Quyết định số 999-QĐ/TU. Cụ thể, ngày 29 và 30-11-2017, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị trực tuyến do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại Hà Nội nhằm quán triệt nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; tham dự hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu tỉnh và các huyện, thị xã có gần 3.000 đại biểu là cán bộ chủ chốt các cấp tham dự.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Giám đốc và các Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (đơn vị được sáp nhập từ 3 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình: dân dụng và công nghiệp; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông) - Ảnh: Tuyết Ly

Ngày 15-12-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 850-QĐ/TU về việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc và 6 đoàn thẩm định, kiểm tra việc xây dựng đề án và triển khai thực hiện Đề án 999. Sau khi đề án được dự thảo, Ban chỉ đạo đã 2 lần lấy ý kiến đóng góp của ban thường vụ các huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị vào dự thảo đề án trước khi trình hội nghị cán bộ chủ chốt thông qua.

Ngày 13-4-2018, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị trực tuyến để quán triệt, triển khai Quyết định số 999-QĐ/TU ngày 10-4-2018 của Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Trên cơ sở Đề án 999, các đơn vị đã trình Tỉnh ủy ban hành 44 quyết định phê duyệt đề án. Trong đó có 6 đơn vị để thực hiện điểm bắt đầu thực hiện từ ngày 1-6-2018; các đơn vị còn lại triển khai thực hiện từ 1-1-2019. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các đơn vị đã thực hiện sắp xếp lại, nên việc tổ chức sơ kết sớm hơn kế hoạch đề ra.

Quá trình triển khai thực hiện đề án, các huyện ủy, thị ủy, cơ quan, đơn vị thường xuyên chú trọng tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và ở thôn, ấp, khu phố, nhất là các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp để tạo sự thống nhất, đồng thuận. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 2 đợt khảo sát dư luận xã hội chuyên đề để nắm bắt dư luận xã hội về kết quả bước đầu thực hiện Đề án 999. Qua khảo sát cho thấy, đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ; các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm đặc biệt và triển khai thực hiện với quyết tâm cao.

Kết quả đạt được về sắp xếp tổ chức bộ máy

Ở cấp tỉnh: Trọng tâm của đề án giai đoạn 1 là sắp xếp các đầu mối bên trong của các sở, ban, ngành. Đến ngày 31-12-2018, có 7 cơ quan thuộc UBND tỉnh, 7 cơ quan, đơn vị thuộc Tỉnh ủy, cơ quan MTTQVN tỉnh và các đoàn thể tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp các phòng, ban thuộc cơ quan và đã chính thức hoạt động, trong đó có một số cơ quan tích cực thực hiện sắp xếp ngay sau khi có quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và còn một số cơ quan, đơn vị đang tiếp tục thực hiện. Việc bố trí số lượng cấp phó phòng, đơn vị trực thuộc sở (và tương đương) cơ bản đã thực hiện theo đúng chủ trương của Tỉnh ủy. Sau khi sắp xếp, giảm 106 đơn vị cấp phòng (khối Đảng giảm 13 đơn vị; khối MTTQ và các đoàn thể giảm 19 đơn vị; khối nhà nước giảm 74 đơn vị).

Đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có quyết định hợp nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (2 cơ quan báo - đài, các ban quản lý dự án), đang chuẩn bị các bước để tiến hành theo lộ trình đề ra (Ban quản lý các công trình hoạt động từ ngày 1-1-2019; cơ quan báo - đài hoạt động từ 1-4-2019).

Đối với việc sáp nhập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ vào Ban Dân tộc tỉnh và hợp nhất 3 cơ quan văn phòng (Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh) tạm thời chưa thực hiện theo đề nghị của Bộ Nội vụ.

Đối với việc sắp xếp các hội đặc thù cấp tỉnh (gồm 13 hội đặc thù): UBND tỉnh đã triển khai cắt giảm 50% định suất biên chế giao cho các hội đặc thù (thực hiện từ ngày 1-1-2019).

Đối với việc sắp xếp lại tổ chức Văn phòng Tỉnh ủy để thực hiện chức năng tham mưu, phục vụ chung cho Tỉnh ủy và các ban xây dựng Đảng: Văn phòng Tỉnh ủy đã thực hiện từ ngày 1-6-2018 và hiện nay, bộ máy tổ chức cơ bản hoạt động nền nếp, hiệu quả.

Ở cấp huyện: Các huyện, thị ủy, thành ủy đã thực hiện việc sắp xếp các phòng, ban thuộc cấp huyện theo Đề án 999 của Tỉnh ủy đảm bảo lộ trình đề ra; một số đơn vị thực hiện sắp xếp lại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Các đơn vị điểm đã thực hiện hầu hết các nội dung về sắp xếp tổ chức bộ máy; tuy nhiên, việc hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện chỉ mới thực hiện ở thị xã Phước Long; việc sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện về Ban Tuyên giáo Huyện ủy chỉ mới thực hiện ở huyện Đồng Phú; việc chuyển nhiệm vụ văn thư các phòng thuộc UBND huyện về Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện chỉ mới thực hiện ở huyện Chơn Thành. Sau sắp xếp, cấp huyện đã giảm được 60 đầu mối.

Về nhất thể hóa chức danh

Ở cấp tỉnh: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Chính trị; đang chuẩn bị các bước để thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm nhiệm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh.

Đầu năm học 2018-2019, Trường tiểu học Thuận Phú I và Trường tiểu học Thuận Phú II (Đồng Phú) sáp nhập thành Trường tiểu học Thuận Phú. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Thuận Phú trong giờ học - Ảnh: Vũ Thuyên

Ở cấp huyện: Hầu hết các đơn vị đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Các đơn vị điểm đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiêm Chánh Thanh tra huyện, Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện.

Việc thực hiện nhất thể hóa chức danh cấp phó: Trưởng phòng Văn hóa kiêm Phó ban Tuyên giáo cấp ủy đã thực hiện ở huyện Phú Riềng và Lộc Ninh; Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Phó ban Dân vận cấp ủy chỉ mới thực hiện ở huyện Phú Riềng.

Sau sắp xếp, cấp huyện giảm 52 chức danh cấp trưởng và 39 chức danh cấp phó; có 2 đơn vị là huyện Chơn Thành và thị xã Bình Long không giảm đầu mối và cấp phó.

Ở cấp xã: Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã triển khai thực hiện Đề án 999 của Tỉnh ủy đối với xã, phường, thị trấn và thôn, ấp, khu phố. Các đơn vị điểm đều thực hiện mô hình bí thư cấp ủy kiêm nhiệm chủ tịch HĐND hoặc UBND cấp xã; thực hiện giảm cán bộ không chuyên trách hoạt động ở cấp xã cơ bản theo lộ trình đề ra; thực hiện bố trí số người hoạt động ở thôn (ấp, khu phố) đảm bảo không quá 7 người/thôn (ấp, khu phố). Ngoài ra, huyện Đồng Phú thực hiện giảm 3 cán bộ và 3 công chức cấp xã. Huyện ủy Bù Đốp mới đang trong quá trình xem xét, phê duyệt đề án của các xã, thị trấn.

Đến nay, toàn tỉnh có 42 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp xã, có 14 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã; giảm trên 210 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; 78 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, ấp, khu phố; giảm 2.589 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố.

Về giảm biên chế: Sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, toàn tỉnh giảm 1.875 biên chế, gồm: Công chức 95, viên chức 542, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ là 1.238. Trong đó, khối Đảng giảm 35 biên chế (công chức 19, viên chức 1, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 15). Cơ quan UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giảm 28 biên chế (trong đó, công chức 13, viên chức 2, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 13); khối Nhà nước giảm 602 biên chế (trong đó, công chức 63, viên chức 539) và giảm hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 1.177 người.

Về giảm chi thường xuyên: Thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, trong năm 2018, kinh phí chi thường xuyên của tỉnh giảm 38,989 tỷ đồng; trong đó, khối Đảng giảm 1,065 tỷ đồng; khối sở, ban, ngành tỉnh giảm 7,976 tỷ đồng và khối huyện, thị xã giảm 29,912 tỷ đồng.

Những hạn chế và nguyên nhân

Trong quá trình thực hiện Đề án 999, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiêm túc và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế là việc nghiên cứu đóng góp vào đề án của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự được quan tâm. Biểu hiện là sau khi ban hành đề án và triển khai thực hiện, một số cơ quan mới kiến nghị đề xuất. Còn tình trạng nhận thức chưa đúng nội dung đề án dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện; một số nơi, lãnh đạo cơ quan còn thiếu quyết tâm, thiếu sáng tạo, ngại va chạm, còn biểu hiện coi trọng lợi ích, nên công tác sắp xếp tổ chức, bố trí công chức lãnh đạo còn chậm. Việc bố trí người hoạt động ở thôn, ấp, khu phố theo hướng kiêm nhiệm chưa sâu sát, kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Việc ban hành các chính sách thuộc thẩm quyền tỉnh còn chậm, chưa rõ ràng, nhất là chính sách đối với cán bộ thôn, ấp, khu phố. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy chưa đồng bộ với việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của cơ quan, nên triển khai thực hiện “4 tăng” còn chậm, chưa thể hiện rõ hiệu quả, gây áp lực trong công việc, nhất là chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp xã. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy chưa đồng bộ với cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm giấy tờ, văn bản, hội, họp; ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc hạn chế nên thời gian xử lý công việc chuyên môn, đi cơ sở ít.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là công tác tổ chức, cán bộ thời gian qua còn chưa chặt chẽ cả về việc quản lý, giao biên chế, tuyển dụng, chuyển đổi công tác nên khi triển khai thực hiện đã gây khó khăn trong việc sắp xếp, giải quyết chính sách. Số lượng biên chế tinh giản nhiều, cán bộ lãnh đạo dôi dư do sắp xếp dẫn đến khó khăn trong việc bố trí cán bộ và giải quyết chế độ chính sách, đặc biệt là giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, ấp, khu phố và các trường học.

Nhiệm vụ giải pháp thời gian tới

Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đề án 999 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đảm bảo mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, phương án, lộ trình đề ra. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thực hiện nhất thể hóa chức danh cấp trưởng, cấp phó các cơ quan cấp tỉnh theo lộ trình đề ra: Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy kiêm Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiêm Chánh Thanh tra tỉnh; Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy kiêm Giám đốc Sở Tư pháp; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy kiêm Phó giám đốc Sở Nội vụ; Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Giám đốc Báo Bình Phước và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

Chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Đề án 999

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện: Trước mắt, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị được chọn thí điểm (gồm: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị xã Phước Long, huyện Lộc Ninh, huyện Phú Riềng) theo Đề án 999 của Tỉnh ủy và các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Những cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện còn lại: Tiếp tục thực hiện việc nhất thể hóa chức danh lãnh đạo và sắp xếp các phòng, đơn vị trực thuộc sở và tương đương theo Đề án 999 của Tỉnh ủy và các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chỉ tạm ngưng việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện. Giao UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện theo tinh thần Đề án 999 của Tỉnh ủy để tiếp tục thực hiện.

Việc bố trí chức danh ở thôn, ấp, khu phố và thực hiện khoán phụ cấp, khoán hoạt động đối với thôn, ấp, khu phố: Giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng rà soát lại nội dung và việc thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-TU ngày 21-9-2018 về bố trí chức danh ở thôn, ấp, khu phố; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy những vấn đề còn bất cập và đề xuất điều chỉnh Quyết định số 34 theo đúng quy định tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8-4-2013 của Chính phủ; quy định cụ thể về mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố.

 Đối với quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hợp nhất, sáp nhập thuộc khối nhà nước ở các cơ quan, đơn vị điểm: Đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đảm bảo không bỏ sót chức năng nhiệm vụ được quy định theo yêu cầu Đề án 999 là “Triển khai thực hiện đồng bộ các khâu: (1) hợp nhất, sắp xếp tinh gọn; (2) xây dựng cơ chế vận hành, xây dựng chính sách, phân cấp quản lý; (3) công tác cán bộ”. Về quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị: Đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền quy định...

(Nguồn: Phụ lục số 5, Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 999-QĐ/TW của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)

Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy theo đề án đã được phê duyệt đối với các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Hợp nhất, sáp nhập các cơ quan, đơn vị: Sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước, Trường cao đẳng nghề Tôn Đức Thắng Bình Phước và Trường cao đẳng Y tế Bình Phước thành Trường cao đẳng Bình Phước; hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh thành Văn phòng Khối Nhà nước tỉnh; sáp nhập Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối doanh nghiệp; Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải; hợp nhất các quỹ có nguồn từ ngân sách về Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh; sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện với Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Tiếp tục chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy các hội đặc thù từ cấp tỉnh đến cơ sở nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các hội theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

Tiếp tục rà soát, ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; đẩy nhanh các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh; xây dựng trụ sở làm việc tập trung cho các khối, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan.

Xây dựng, bổ sung các quy định đảm bảo cho mọi hoạt động thông suốt; bổ sung, điều chỉnh chính sách phù hợp tạo điều kiện cho việc bố trí sắp xếp cán bộ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và công tác dân vận, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội; quyết tâm chủ động, sáng tạo trong triển khai tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Đề án 999...

  • Từ khóa
1492

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu