Thứ 7, 20/04/2024 03:02:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:51, 10/11/2019 GMT+7

Tham nhũng thời Bắc thuộc

Chủ nhật, 10/11/2019 | 13:51:00 1,830 lượt xem

BP - Theo sử cũ, nhà Tây Hán chia nước ta làm châu, quận, đặt quan thứ sử, thái thú trấn trị. Chúng tham ô, nhũng lạm dân ta không kể xiết nên Hán Vũ đế (năm 141-87 trước Công nguyên) đã phải đặt ra 6 điều trong chiếu thư để kiểm soát hành vi tham nhũng của thứ sử. Sách “Việt sử cương mục tiết yếu” cho hay, 6 điều cấm kỵ đó là: “Cường tộc, hào hữu, ruộng đất vượt quy chế; Quan thái thú không biết vâng theo chiếu thư, vơ vét gian trá; Quan thái thú không tra án ngờ, giết hại người; Quan thái thú chọn lựa, tiến cử người không công bằng, chỉ lấy người mình ưa thích; Con em quan thái thú cậy thế vênh vang, xin xỏ, thỉnh thác; Quan thái thú vào hùa với bọn cường hào, thông đồng biếu xén, đút lót”.

Thời Đông Hán, sử ghi nhận đầu tiên là trường hợp Thái thú Giao Chỉ Tô Định khi cai trị dân Việt thì “tính tham lam mà hung dữ”, “hiếp dân lấy của đem binh hại người” (trích trong “Thiên Nam ngữ lục”). Từ đó góp phần khởi phát nên cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm Canh Tý (40). Ngoài trường hợp nêu trên, nhiều viên quan đô hộ phương Bắc cũng bị lên án về sự tham ô, nhũng nhiễu. Theo ghi nhận của cuốn “Việt Nam sử lược”, trong thời Đông Hán “những quan lại sang cai trị Giao Chỉ thường có lắm người tàn ác, tham nhũng, bắt dân lên rừng xuống bể để tìm những châu báu”. Ở đời vua Hán Hiển Tông (năm 57-75), có Trương Khôi “làm Thái thú Giao Chỉ, vì ăn hối lộ nên gia sản bị tịch thu”. Không chỉ quan viên lớn của châu, quận tham nhũng, mà những người đứng đầu các địa phương như huyện lệnh cũng “vét đầy túi tham”. Vậy nên dân Man đã giết chết huyện lệnh.

Thời Tam quốc (220-280), nhà Đông Ngô cai trị dân ta, hàng ngũ quan lại cai trị cũng một bọn tham lam tàn bạo như cuốn “Việt Nam sử lược” ghi: “Những quan lại nhà Ngô thì thường là người tham tàn, vơ vét của dân”, đến nỗi đời sau khi tìm hiểu về thời Bắc thuộc, đã phải than oán rằng: Quan lại Ngô cũng bầy lang sói/Cũng tham ô, cũng thói dâm tàn. Trường hợp Tôn Tư làm Thái thú Giao Chỉ của Đông Ngô là một dẫn chứng, hắn vì “tham bạo, làm hại dân chúng”, tự tiện bắt dân phải cống nộp nặng nề, lại bắt hàng ngàn thợ thủ công giỏi tay nghề nhà Ngô nên dân oán giận nổi dậy mà giết đi.

Thời nhà Tống cai trị, có Hoàn Hoằng làm Thứ sử Giao Châu mà tiền của kể đến hàng vạn. Sang thời nhà Lương, cái tệ đục khoét vẫn tiếp diễn.Theo “Việt sử yếu”, thời Lương có Thứ sử Tiêu Tư là người tham lam, bạo ngược vô cùng, làm cho “dân ta lao khổ lầm than lâu ngày”, đến nỗi một lực lượng lớn nhân dân do Lý Bí cầm đầu nổi dậy khởi nghĩa chống lại, còn Tiêu Tư phải đem vàng bạc đút lót rồi chạy về châu Quảng.

Sang thời nhà Tùy, đời Tùy Dạng đế (năm 605-616), Khâu Hòa làm Thái thú Giao Chỉ như miêu tả trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”: Cậy uy thế nhà Tùy, thường đi tuần các khe động ở biên giới, ở châu hơn 60 năm, Lâm Ấp và các nước tặng cho Hòa những ngọc minh châu, sừng tê văn và vàng bạc của báu... cho nên Hòa giàu như vương giả”. Thời nhà Đường cai trị nước ta xảy ra nhiều trường hợp tham nhũng. Khi Cao Chính Bình làm Đô hộ, đánh thuế rất nặng, làm cho dân ta rơi vào cảnh lầm than, khổ cực, từ đó dẫn tới khởi nghĩa Phùng Hưng đến nỗi Cao Chính Bình lo sợ mà phát bệnh chết trong thành Tống Bình năm 791. Tiếp đó là Lý Tượng Cổ làm An Nam Đô hộ, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” phê là: “Tham bạo hà khắc mất lòng dân chúng”, bị Dương Thanh khởi binh giết chết năm Kỷ Hợi (819).

Về cuối đời nhà Đường, quan lại phương Bắc phần nhiều chỉ vì tư lợi bản thân mà ức hiếp nhân dân, chẳng hạn có quan Đô hộ Lý Trác đời vua Đường Tuyên Tông (năm 847-859) bị “Đại Việt sử ký tiền biên” phê phán là “hà khắc tham lam tự tư tự lợi, cưỡng mua của người Man một con bò chỉ trả cho họ một đấu muối, lại giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành”, đến nỗi người Mường, người Mán không chịu nổi liên kết với người Nam Chiếu đánh vào An Nam phủ rồi giết chết huyện lệnh.

Lời bàn:

Chính sách đồng hóa người Việt ở phương Nam được các triều đại phong kiến Trung Quốc thực hiện từ khá sớm. Trung Quốc tự cho mình là nước lớn, coi các tộc người khác xung quanh là những tộc thấp kém, cần phải “giáo hóa” và gọi họ bằng những cái tên miệt thị như: Man, Di, Nhung, Địch. Vì thế, chúng ra sức đàn áp và vơ vét sản vật của người Việt. Và để thực hiện âm mưu đồng hóa người Việt, các triều đại phong kiến phương Bắc đã thi hành chính sách giết sạch, vét sạch, phá sạch và đốt sạch.

Tuy nhiên, trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc, người Việt vẫn luôn đấu tranh để giành lại đất nước và tới thế kỷ X thì từng bước thoát khỏi sự ràng buộc với phương Bắc. Để phục hồi quốc thống, người Việt luôn phải chống lại sự đồng hóa để bảo tồn giống nòi Việt. Và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là một minh chứng.  Điều đáng trân trọng là trong quá trình chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc vào thời đó, có nhiều cuộc khởi nghĩa mang mục đích chính trị rõ ràng chứ không chỉ mang tính địa phương từ nguyên nhân trực tiếp là bọn tham quan ô lại. Chính điều này đã minh chứng truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc của người Việt đã có từ mấy ngàn năm nay. Và ngày nay, truyền thống quý báu ấy đã và đang được hậu thế phát huy cao độ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

N.D

  • Từ khóa
110255

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu