Thứ 6, 19/04/2024 11:26:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:33, 10/09/2019 GMT+7

Thác Mơ “khát” giữa mùa mưa

Thứ 3, 10/09/2019 | 06:33:00 9,232 lượt xem
BPO - Thủy điện Thác Mơ là công trình quan trọng đặc biệt cấp quốc gia cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, khai thác hiệu quả lượng nước phục vụ tưới tiêu, cân bằng lưu vực và hạn chế thiệt hại do lũ lụt, sự biến đổi về khí hậu, thời tiết. Năm 2019, do tình hình thủy văn diễn biến thất thường, đến cuối tháng 8, mực nước hồ vẫn thấp hơn mức trung bình hằng năm khoảng 4m, ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp điện năng của nhà máy cho hệ thống điện quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Lê Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Thác Mơ (Phước Long) cho biết: Năm 2018, tình hình thủy văn diễn biến thuận lợi, lưu lượng nước về trung bình 119,95m3/s, cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm (116,5m3/s). Qua đó, công ty khai thác sản lượng điện đạt 838 triệu kWh, bằng 122,51% kế hoạch, tăng 5,14% so cùng kỳ năm trước và nộp ngân sách nhà nước 306,9 tỷ đồng. Với dự báo tình hình thời tiết trong năm 2019 diễn biến khó lường, công ty đã cố gắng phát huy tối đa những thế mạnh đề ra kế hoạch sản xuất với các chỉ tiêu cụ thể, như: Sản lượng điện đầu cực đạt 623 triệu kWh, mực nước hồ đầu năm 213,9m, mực nước hồ cuối năm 216,4m...

Đến thời điểm này, cửa xả đập tràn Thủy điện Thác Mơ không có nước như thời điểm cuối mùa khô (ảnh lớn). Cán bộ, nhân viên Phân xưởng Vận hành, Công ty cổ phần thủy điện Thác Mơ phải căng mình theo dõi sự thay đổi của thủy văn để điều hành hoạt động (ảnh nhỏ)

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, từ đầu năm đến nay, công ty đã và đang tập trung làm tốt công tác sửa chữa lớn, bảo trì, bảo dưỡng và khắc phục các thiếu sót, khiếm khuyết trên thiết bị công trình, trong đó tập trung vào công tác an toàn, quản lý kỹ thuật, nâng cấp thiết bị. Công ty thực hiện nghiêm kỷ luật vận hành, hoàn chỉnh quy trình vận hành không để xảy ra sự cố chủ quan. Đặc biệt, tích cực phối hợp chính quyền địa phương về cấp nước hạ du để đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước và tăng cường quan hệ hợp tác với cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện, sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ an toàn hạ du, hồ đập.

Tuy nhiên, tình hình thủy văn từ đầu năm đến nay diễn biến không thuận lợi. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay lưu lượng nước về hồ trung bình 23m3/s, thấp hơn so với dự báo 31m3/s, bằng 47,3% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện 248,4 triệu kWh, bằng 39,9% kế hoạch năm, giảm 36,4% so cùng kỳ năm trước. Mực nước hồ cuối tháng 6 là 198,1m, thấp hơn so kế hoạch đầu năm là 203m, tương đương sản lượng hao hụt gần 32 triệu kWh. Cao điểm nhất là vào tháng 5-2019, lưu lượng trung bình về chỉ đạt 22m3/s và việc hệ thống điện vẫn huy động nhà máy cao hơn sản lượng cấp nước tối thiểu hạ du dẫn đến ngày 16-5, mực nước hồ đã đến mực nước chết 198m.

Đến thời điểm này, mực nước Thủy điện Thác Mơ vẫn thấp hơn mức trung bình hằng năm khoảng 4m

Thủy điện Thác Mơ có dung tích hồ chứa 1,36 tỷ mét khối nước, hệ thống đập lớn với chiều cao đập lớn nhất 46m, là hồ chứa quan trọng đặc biệt theo Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 26-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tận dụng nguồn năng lượng nước có sẵn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 1 tổ máy với công suất 75MW. Sau 3 năm, kể từ ngày khởi công, tổ máy số 3 trên đầu dòng sông Bé đã chính thức vận hành hòa vào lưới điện quốc gia từ tháng 7-2017, nâng công suất của nhà máy từ 150MW lên 225MW. Qua 25 năm vận hành (1994-2019), đến nay nhà máy đã sản xuất hàng chục tỷ kWh điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung và Bình Phước nói riêng.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ Lê Minh Tuấn

Ông Trần Ngọc Tân, Quản đốc Phân xưởng vận hành Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ cho biết: Trong quá trình quản lý, vận hành toàn bộ thiết bị của nhà máy, tôi nhận thấy, đến đầu tháng 8-2019, lưu lượng nước về hồ vẫn thấp hơn mức trung bình nhiều năm, tình trạng khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như an ninh năng lượng của hệ thống và hoạt động công trình. Thiếu nước, đội ngũ làm công tác vận hành rất căng thẳng trong việc điều tiết cấp nước cho hạ du theo quy trình liên hồ chứa. Những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9 này, tình hình thủy văn có xu hướng được cải thiện nhưng hiện vẫn thấp hơn mức trung bình hằng năm khoảng 4m. Tuy chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc mùa mưa 2019 nhưng không vì thiếu nước mà chúng tôi không cho phép mình được lơ là, chủ quan vì thời điểm này liên tục xảy ra mưa bão, lũ lụt. Do vậy, cán bộ, công nhân viên của phân xưởng thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị; kiểm tra an toàn hồ đập và chủ động các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn... để sẵn sàng ứng phó khi có diễn biến bất thường xảy ra.

Là người chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, vận hành trực tiếp công trình và hồ chứa thủy điện Thác Mơ theo quy định pháp luật, Tổng giám đốc công ty Lê Minh Tuấn mong muốn: Để đảm bảo an toàn công trình, an ninh năng lượng quốc gia, an ninh nguồn nước, an toàn cho phía hạ du và công tác điều tiết hồ chứa, rất mong người dân nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Đối với người dân sinh sống ở các địa bàn có hồ chứa không nên có những hành vi xâm lấn, cản trở việc bảo vệ hồ đập; không lấn chiếm lòng sông, suối; không sử dụng lãng phí nguồn nước tưới... Đề nghị cấp có thẩm quyền và ngành chức năng liên quan chỉ đạo xử lý kịp thời vụ việc vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình, hồ chứa; thực hiện đồng bộ các giải pháp trong bảo vệ, giữ gìn và phát triển những cánh rừng đầu nguồn; khuyến khích người dân đầu tư, sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái...

Lâm Phương

  • Từ khóa
94617

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu