Thứ 6, 19/04/2024 08:55:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:14, 12/06/2019 GMT+7

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Tạo cơ chế tự chủ cho thư viện phát triển

Thứ 4, 12/06/2019 | 09:14:00 532 lượt xem
BPO - Chiều 11-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thư viện. Trong phiên thảo luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng để nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện thì cần phải đẩy mạnh số hóa và tạo cơ chế tự chủ cho các thư viện.

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, hiện nay sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cùng với sự phổ biến của mạng xã hội đã tạo bước tiến vượt bậc cho khoa học thư viện, làm thay đổi cả về phương thức hoạt động của thư viện và cách tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời cũng tạo những thách thức lớn đối với thư viện. Trong bối cảnh đó, việc phát triển thư viện số là một xu thế tất yếu.

Dự thảo luật trình Quốc hội lần này cũng đã dành một số điều khoản quy định về thư viện số như việc xác định về điều kiện thành lập xây dựng và dịch vụ thư viện số. Tuy nhiên, theo đại biểu Sang, nội dung đề cập trong dự thảo luật còn sơ sài, tản mạn, trong khi hoạt động của thư viện số rất phức tạp, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật và các văn bản quy phạm pháp luật trong và ngoài nước.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại hội trường chiều 11-6

Bên cạnh đó, các thư viện hiện nay đang đứng trước vấn đề rất khó giải quyết, đó là một mặt có nhiệm vụ thỏa mãn tối đa của người sử dụng trong việc tiếp cận tài liệu, mặt khác việc số hóa tài liệu lại liên quan chặt chẽ đến vấn đề thực thi quyền tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo nguyên cứu bổ sung điều chỉnh đảm bảo tính khả thi của các quy định về nội dung này theo như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, tập trung giải quyết những hạn chế nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghệ và tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về xếp hạng thư viện, theo đại biểu Sang đây không phải là vấn đề mới mà được đề cập trong các thông tư, quyết định của Chính phủ về phân loại xếp hạng các tổ chức sự nghiệp dịch vụ công lập. Tuy nhiên, việc xếp hạng này căn cứ vào cấp hành chính để xếp hạng, đánh đồng các thư viện cấp tỉnh với nhau, không phát huy được tính chủ động, triệt tiêu động lực phát triển thư viện các tỉnh thành, nhất là các thư viện có chất lượng hoạt động hàng đầu.

Trong dự thảo luật, việc xếp hạng thư viện dựa vào quy mô, phạm vi hoạt động, cơ sở hạ tầng, vốn tài liệu, tiện ích thư viện, cơ cấu, năng lực của người làm thư viện, theo đại biểu Sang là chưa cụ thể. Mục đích của việc xếp hạng theo ban soạn thảo là nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của thư viện là chưa thật hợp lý. Vì quan điểm xây dựng luật này là nhà nước đầu tư cho thư viện theo hướng tập trung trọng điểm và thực hiện chủ trương đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa. Thêm vào đó thẩm quyền xếp hạng và thu hồi xếp hạng đều giao cho cơ quan chủ quản thực hiện cũng là chưa thật hợp lý, khó khả thi, dẫn đến triệt tiêu tính tự chủ của thư viện, làm phát sinh cơ chế xin - cho trong quản lý thư viện, tăng thủ tục hành chính, dẫn đến nhiều hệ lụy khác.

Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị không đưa nội dung xếp hạng vào luật mà điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hiệu lực cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Dự thảo Luật Thư viện trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp có 7 chương, 51 điều, kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi bổ sung 18 điều, quy định mới 33 điều so với Pháp lệnh Thư viện.

Trần Thể

  • Từ khóa
28318

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu