Thứ 6, 19/04/2024 21:41:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:33, 30/07/2016 GMT+7

Suối giữa lòng phố - tại sao không? - Bài cuối

Thứ 7, 30/07/2016 | 08:33:00 182 lượt xem

>> Bài 1: Đừng lãng phí quà tặng từ thiên nhiên

BP - Thị trấn Đồng Xoài ngày mới tái lập tỉnh, người dân sống hai bên bờ suối Đồng Tiền thưa thớt thì nay, dân số cơ học đổ về tăng gấp nhiều lần. Vì thiếu quy hoạch tổng thể ngay từ và quản lý xây dựng công trình dân sinh chưa chặt chẽ nên tình trạng nhà xây sát suối, thậm chí lấy luôn bờ suối làm móng sân, móng nhà, lấn chiếm hành lang suối khá phổ biến. Nếu không có chiến lược bảo vệ thì nguy cơ dòng suối “chết” hoặc gây gánh nặng ô nhiễm không hề nhỏ.

KHÔNG THỂ THIẾU QUY HOẠCH TỔNG THỂ

“BẮT CÓC BỎ DĨA”

Đã nhiều năm nay, dịp kỷ niệm Ngày môi trường thế giới (5-6), Tháng hành động nước sạch và vệ sinh môi trường, chào mừng Quốc khánh (2-9) thường niên, hàng trăm đoàn viên, thanh niên khối cơ quan thị xã Đồng Xoài và đoàn thanh niên 3 phường Tân Đồng, Tân Thiện và Tân Xuân lại phối hợp công nhân Xí nghiệp Công trình công cộng và đại diện các khu phố dọn vệ sinh suối Đồng Tiền. Tuy nhiên, do lòng suối nhiều đoạn nhỏ hẹp, một số người dân thiếu ý thức vứt rác, xả nước thải nên việc tắc nghẽn, ô nhiễm không thể xử lý triệt để.

Các hội viên hội đoàn thể dọn vệ sinh suối Đồng Tiền đoạn qua phường Tân ThiệnCác hội viên hội đoàn thể dọn vệ sinh suối Đồng Tiền đoạn qua phường Tân Thiện

Anh Tạ Thanh Bình, Bí thư Thị đoàn Đồng Xoài cho biết: “Chúng tôi huy động số đông đoàn viên thanh niên vừa khơi thông suối vừa tuyên truyền nhằm tạo hiệu ứng làm sạch môi trường, nâng cao ý thức của hộ dân sống quanh suối. Nhưng thói quen xả rác của người dân vẫn khó thay đổi khi không có chế tài xử phạt. Tinh thần xung kích của tuổi trẻ thị xã vẫn chưa tác động nhiều đến việc giữ gìn vệ sinh chung của các hộ dân sống 2 bên bờ suối.”

Đến các nơi có suối Đồng Tiền chảy qua, điều làm chúng tôi buồn nhất là nơi nào cũng ngập rác, kể cả những nơi được dọn dẹp, khơi thông vào đầu mùa mưa năm nay. Nhiều đoạn suối ùn ứ rác, xác động vật gây tắc nghẽn dòng chảy. Còn những căn nhà dựa vào bờ suối thì 100% có ống nước xả thải thẳng xuống lòng suối.

Ô nhiễm ở suối Đồng Tiền hiện chưa trầm trọng nhưng nếu chính quyền và hội, đoàn thể các cấp, cơ quan hữu quan không kịp thời vào cuộc thì tương lai không xa, Đồng Xoài phải gánh hậu quả không nhỏ về quy hoạch, môi trường... Nhất là khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Xoài nói riêng, Bình Phước nói chung đang quyết tâm phấn đấu lên thành phố vào năm 2018.

KHÔNG THỂ QUY HOẠCH MANH MÚN

Hằng năm, thị xã Đồng Xoài vẫn cấp kinh phí để Xí nghiệp Công trình công cộng thị xã tổ chức đấu thầu rộng rãi chọn đơn vị thu gom rác, phế thải, bùn đất vận chuyển đến bãi rác và cải tạo, xây kè một số đoạn suối. Năm 2015, sau khi đấu thầu rộng rãi, nhiều đoạn thuộc suối Đồng Tiền, Cái Bè (nhánh rẽ của suối Đồng Tiền) cũng đã được nạo vét, cải tạo, xây kè đá hộc. Cụ thể chia làm 3 gói, gói 1, đoạn từ khu phố Tân Trà đến đường Phú Riềng Đỏ kinh phí hơn 4,231 tỷ đồng; gói 2, đoạn đường Hùng Vương - đường 20 đến đường Phú Riềng Đỏ kinh phí 5,591 tỷ đồng và gói 3 nằm tuyến cuối suối Đồng Tiền, kinh phí 3,732 tỷ đồng. Năm 2016, cũng qua đấu thầu rộng rãi, suối Đồng Tiền được nạo vét lòng suối, thu gom rác, phế thải, phát cỏ hai bên bờ đoạn từ đường Phú Riềng Đỏ, phường Tân Đồng đến khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân với kinh phí 5,13 tỷ đồng và nạo vét suối Cái Bè với kinh phí 5,26 tỷ đồng.

Đoàn viên, thanh niên và các hội viên hội đoàn thể dọn vệ sinh suối Đồng Tiền đoạn qua phường Tân XuânĐoàn viên, thanh niên và các hội viên hội đoàn thể dọn vệ sinh suối Đồng Tiền đoạn qua phường Tân Xuân

hưa kể những “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”... của đoàn viên, thanh niên và hội viên các hội, đoàn thể thuộc các phường, khu phố trên địa bàn thị xã thì số tiền bỏ ra cho dự án làm sạch từng đoạn suối không hề nhỏ. Tuy nhiên, những nỗ lực từ các đơn vị sẽ khó thay đổi đồng bộ suối. Thậm chí, dọn chỗ mới thì chỗ cũ từng dọn dẹp lại trở về trạng thái ban đầu... chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”.

Ông Giang Công Chung, Phó giám đốc Xí nghiệp Công trình công cộng thị xã cho biết: “Những dự án xí nghiệp được giao làm chủ đầu tư hiện chỉ là giải pháp cải tạo tạm thời, không mang tính dài hơi. Để suối sạch đẹp, ngoài cải tạo, nạo vét thì phải có hành lang, trồng cây xanh tạo cảnh quan. Nếu không có quy hoạch tổng thể mà chỉ thực hiện dự án nhỏ lẻ như thời gian qua thì không bao giờ suối Đồng Tiền có thể xanh - sạch như mong muốn”.

Làm sạch suối thì có thể chia nhỏ theo giai đoạn nhưng quy hoạch thì phải trên nền tổng thể để tránh bị lấn chiếm và “mỗi nơi một kiểu”. Đã đến lúc các ngành hữu quan cần xây dựng kế hoạch, tiến độ, lộ trình thực hiện đưa suối Đồng Tiền về vị trí xứng tầm, sau đó, tùy kinh phí mà triển khai từng hạng mục phù hợp. Đồng thời rà soát lại số hộ dân ở xung quanh suối để lên kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng nếu họ ở trước khi quy hoạch hành lang suối thì giúp người dân ổn định đời sống.

KHÓ CŨNG PHẢI LÀM

Từ tổng thể quy hoạch suối mang tầm thành phố của tỉnh, cần giám sát và có chế tài mạnh tay đối với các hộ lấn chiếm, chiếm dụng hành lang suối. Giải pháp đầu tiên là kiên quyết không dung túng cho hành vi lấn lấp bờ suối, dòng chảy của suối phục vụ lợi ích cá nhân. Những hộ cố tình xây nhà kiên cố với mục đích lấn chiếm hành lang suối thì phải tháo dỡ không nhân nhượng. Đây là giải pháp ít tốn kém nhưng phải có sự vận động kiên trì để tác động mạnh mẽ tới ý thức người dân. Những hộ xả rác, nước thải xuống suối cũng phải bị nghiêm cấm và xử phạt thật nặng, có sự giám sát của cán bộ khu phố, thậm chí đưa ra kiểm điểm trước tập thể để tạo sự tác động rộng rãi trong nhân dân.

Để bảo vệ suối, ngoài chính sách của nhà nước, cộng đồng dân cư sống hai bên suối phải là người được tham gia quản lý, giúp họ hiểu rõ tầm quan trọng của suối sạch cũng như hậu quả của ô nhiễm nguồn nước. Chỉ như thế, mọi người mới có hành động đúng đắn như không vứt rác, xả nước thải xuống suối. Khu dân cư cũng nên có quy chế, quy ước giám sát và chế tài trong thực thi bảo vệ suối, thu gom và xử lý rác thải hợp lý. Điều quan trọng là phải tác động để mọi người cùng hiểu, tàn nhẫn với suối sẽ bị trả giá, thậm chí con cháu mình lãnh hậu quả từ hành động xấu hôm nay.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
93012

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu