Thứ 5, 28/03/2024 18:16:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:34, 12/03/2014 GMT+7

Sức hút mùa lễ hội chùa Bái Đính

Thứ 4, 12/03/2014 | 08:34:00 1,912 lượt xem

Ninh Bình là vùng đất của những lễ hội xuân đặc sắc. Mỗi mùa xuân đến, từ khắp mọi miền quê trong cả nước, hàng vạn người lại hành hương về các di tích lịch sử, văn hóa du xuân thưởng ngoạn vẻ đẹp của vùng đất cố đô. Có một địa điểm mà nhiều người lựa chọn, đó là Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính. Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều mồng 1 tết, khai mạc ngày mồng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

Chùa có nhiều kỷ lục

Hơn 1000 năm về trước, tại Ninh Bình đã có 3 triều đại vua nối tiếp nhau ra đời. Đó là: Nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là Quốc giáo. Vì vậy tại Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính trên dãy núi Tràng An. Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn, với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam: Chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á... Năm 2010, chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam.


Bộ tượng Tam thế bằng đồng dát vàng ở chùa Bái Đính - Ảnh: S.H

Chùa Bái Đính nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 ha, bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, các khu vực, công viên văn hóa và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đậu xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh... vẫn đang được tiếp tục xây dựng.

Lễ hội chùa bái đính

Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn; nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ thần Cao Sơn, đức thánh Nguyễn và bà Chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội. Các vị cao tăng cùng phật tử dâng hương lên Phật tổ và ôn lại lịch sử đất cố đô Hoa Lư. 

Phần hội gồm các trò chơi dân gian, thăm hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát chèo, xẩm, ca trù đất cố đô. Mỗi năm có hàng triệu lượt du khách đến tham quan chùa Bái Đính và cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc - hát chèo Ninh Bình, với màn trống hội Hoa Lư tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng đế; lễ tế cờ của vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận cùng nhiều tiết mục ca, múa, nhạc mang chủ đề mừng Đảng, mừng xuân. Các đại biểu và tăng ni, phật tử cùng du khách tham gia nghi lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, no ấm.

Đến với chùa Bái Đính không chỉ để tham quan một địa danh lịch sử văn hóa, để thán phục trước một “đại công trình” mang dấu ấn vĩ đại từ bàn tay và khối óc con người, mà còn được đắm mình trong không khí linh thiêng hướng về đức Phật. Đến Bái Đính, ngoài sức hút về mức độ, quy mô đồ sộ của công trình, địa điểm xây dựng đắc địa bởi hình sông, thế núi, chúng ta còn được thưởng thức cảm giác như lạc vào thế giới của các pho tượng Phật với hằng hà sa số các vị La Hán. Chính yếu tố đó đã khiến hành trình tham quan của mỗi người mang cảm giác vô cùng thư thái, an lạc. Đó cũng là điểm mấu chốt khiến Bái Đính ngày càng nổi tiếng, hấp dẫn du khách và tạo sức hút trong mùa lễ hội nơi vùng đất cố đô.                                                   

Ngày 5-2-2014 (tức mồng 6 tháng Giêng năm Giáp Ngọ), đã diễn ra lễ khai hội chùa Bái Đính 2014. Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam... đã về dự. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gióng trống khai hội chùa Bái Đính năm 2014. Sau đó, các phật tử, du khách, nhân dân tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, thả bóng bay lên bầu trời cùng cầu nguyện cho mọi người có cuộc sống bình an, hạnh phúc.

 Trung Lương

 

  • Từ khóa
87942

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu