Thứ 7, 20/04/2024 22:44:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:36, 02/07/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Sức bật từ chương trình đột phá

Xuân Túc
Thứ 5, 02/07/2020 | 08:36:00 511 lượt xem
BPO - “Tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp” là một trong 2 chương trình đột phá của nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Phú lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020. Mục tiêu là phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 35% trong cơ cấu ngành công nghiệp. UBND huyện đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi.

Hộ anh Hoàng Ngọc Cường ở ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú thu nhập ổn định từ nuôi dê sinh sản

Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi trên diện rộng cùng với đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo của các ngành chức năng cùng chính sách hỗ trợ và sự năng động của người dân, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Đồng Phú đã tạo được bước đột phá mới. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Sát cánh cùng người dân

Từ vốn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình nông thôn mới, năm 2015, anh Hoàng Ngọc Cường ở ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú được hỗ trợ 4 con dê sinh sản. Anh mua thêm 5 con dê cái giống bách thảo để gây đàn. Nhờ chăm sóc tốt, chuồng trại đảm bảo, chỉ trong 5 năm, đàn dê đã phát triển thêm 80 con. Hiện anh đã xuất bán 60 con dê thịt, giá ổn định ở mức 90-120 ngàn đồng/kg, mang về nguồn thu không nhỏ. Theo anh Cường, nuôi dê sinh sản thích hợp với gia đình ít đất, điều kiện khó khăn. Vì dê sinh sản nhanh, sau khi sinh khoảng 6 tháng có thể xuất chuồng. Để đàn dê phát triển tốt, chuồng trại phải sạch sẽ, làm sàn tạo độ thông thoáng. Nước uống cũng phải sạch. Thức ăn không được để dính sương. Dê trong thời kỳ sinh sản phải bổ sung thức ăn phụ như cám, bắp, chất đạm để đảm bảo chất dinh dưỡng cho dê con.

Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, từ năm 2016 đến nay, xã Thuận Phú đã bàn giao 21 con bò cho 21 hộ. Hiện, đàn bò đã phát triển 62 con, luân chuyển 16 con cho hộ khác. Hỗ trợ 80 con dê sinh sản cho 20 hộ dân, hiện đàn dê phát triển lên 236 con, luân chuyển 18 con cho hộ mới. Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Phú Hoàng Phú Quốc cho biết: “Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò và dê sinh sản bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Dự án không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập mà còn góp phần giảm nghèo cho các hộ dân, từng bước thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã”.

Đầu năm 2017, 30 hộ nông dân xã Tân Lập được Quỹ hỗ trợ nông dân giải ngân 2 tỷ đồng để đầu tư dự án nuôi bò sinh sản trong 3 năm. Trong đó, mỗi hội viên vay từ 60-100 triệu đồng để đầu tư con giống, chuồng trại và trồng cỏ nuôi bò.

Từ 52 con giống ban đầu, đến nay đàn bò đã phát triển lên 209 con. Vừa qua, các hội viên đã trả đầy đủ số tiền cho dự án. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, từ hiệu quả của mô hình, xã đã hướng dẫn các hội viên nông dân làm hồ sơ tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 2020-2023. Hiện dự án đã được phê duyệt số tiền 1 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 20 hộ vay để đầu tư con giống, phát triển sản xuất.

Thận trọng tái đàn

Năm 2019, Đồng Phú là huyện đầu tiên xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Dịch bệnh lan rộng ra 11 xã, thị trấn nhưng chỉ xảy ra với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngay sau đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tiêu hủy gần 2.700 con heo bệnh. Cùng với đó chi hỗ trợ gần 4,7 tỷ đồng cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy.

Gắn bó với việc nuôi heo gần 20 năm, tháng 5-2019, đàn heo 184 con của gia đình anh Phạm Văn Thuyên, ấp 4, xã Tân Lập bị dịch. Heo chết, gia đình anh rơi vào cảnh trắng tay. Đầu năm 2020, từ 230 triệu đồng chi hỗ trợ người dân có heo nhiễm bệnh bị tiêu hủy, anh đã vay thêm 300 triệu đồng để tái đàn. Để đảm bảo an toàn cho đàn heo, anh đã đầu tư hệ thống chuồng lạnh, quy trình khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài. Hiện đàn heo với 10 nái, 70 heo con của gia đình anh đang phát triển khỏe mạnh.

Phát triển đúng hướng

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện tốt công tác phòng, chống, quản lý, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên đã phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Hiện nay, trên địa bàn huyện, đàn trâu có 500 con, tăng 165 con so với năm 2015, xuất chuồng 450 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 95,6 tấn. Đàn bò 2.650 con, tăng 430 con so với năm 2015, xuất chuồng 1.945 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 350,1 tấn. Đàn heo 72.351 con, tăng 17.351 con so với năm 2015, xuất chuồng 72.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.096 tấn. Gia cầm 1,5 triệu con, tăng 648.400 con so với năm 2015, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9.100 tấn.

 “Trước khó khăn của ngành chăn nuôi do dịch tả heo châu Phi gây ra, cùng với việc hỗ trợ kịp thời các hộ có heo bị tiêu hủy, huyện sử dụng nguồn vốn gần 1,5 tỷ đồng hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi. Những hộ có nhu cầu tái đàn, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện các bước đúng quy trình để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ tái phát dịch bệnh”.

Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Phú
Nguyễn Văn Tặng

Trên địa bàn huyện có 48 trang trại chăn nuôi, gồm 13 trang trại gia cầm, 34 trang trại heo, 1 trang trại bò. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện bình quân đạt 2%/năm, ước đạt 35,1% vào cuối năm 2020, sản lượng thịt ước đạt 16.800 tấn. Sản phẩm của ngành chăn nuôi không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong huyện, tỉnh mà một phần được xuất bán ra thị trường các tỉnh lân cận. 

 “Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thành hồ sơ công nhận vùng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với gà để tiến tới xuất khẩu vào giai đoạn 2020-2022. Ngoài ra, huyện đã lấy ý kiến góp ý đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức phát triển chăn nuôi trang trại theo vùng quy hoạch nhằm đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi. Hướng đến mục tiêu tăng tỷ trọng chăn nuôi chiếm 45% cơ cấu ngành nông nghiệp vào năm 2025” - Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Phú Nguyễn Văn Tặng cho biết.

  • Từ khóa
39872

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu