Thứ 6, 29/03/2024 16:49:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:55, 04/11/2017 GMT+7

Báo chí Campuchia đề cao tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam

Nguồn TTXVN
Thứ 7, 04/11/2017 | 06:55:00 1,468 lượt xem
BPO - Theo phóng viên tại Phnom Penh, nhân dịp Việt Nam sắp đăng cai Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, nhật báo Kampuchea Thmey (Campuchia Mới) ngày 3-11 đã đăng bài viết “APEC 2017: Tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam.”

Panô chào mừng Tuần lễ cấp cao APEC 2017 trên các tuyến đường tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Bài báo nhận định sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nền kinh tế APEC, các tổ chức khu vực và quốc tế đối với Năm APEC 2017 sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam phát huy được “sức mạnh mềm," thể hiện vai trò năng động, dẫn dắt và trách nhiệm của thành viên diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á​-Thái Bình Dương. 

Nhật báo cũng nhấn mạnh nhìn vào những gì đã đạt được, bạn bè và đối tác trong cũng như ngoài diễn đàn đều trân trọng, đánh giá cao từ công tác tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp, đến những đề xuất, sáng kiến chủ động, tích cực của Việt Nam thúc đẩy hợp tác, liên kết APEC. 

Đây là lần thứ hai Việt Nam tổ chức Năm APEC vào thời điểm tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp. 

Đúng vào lúc APEC đang bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, lại nổi lên không ít lực cản đối với tiến trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế. 

Thực tế đó đặt những người "chèo lái con thuyền" APEC trước trọng trách phải chung tay hành động nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn cho diễn đàn, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. 

Vì lẽ đó, bạn bè quốc tế nhìn nhận Năm APEC Việt Nam 2017 vừa là thử thách, vừa là cơ hội rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và liên kết ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. 

Đánh giá về tầm nhìn chiến lược đối ngoại của Việt Nam qua sự kiện APEC, nhật báo Kampuchea Thmey nhận định Năm APEC 2017 là cơ hội rất quan trọng để khẳng định ảnh hưởng và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Thành công của Năm APEC 2006 và uy tín quốc tế ngày càng cao qua việc đảm nhận tốt các trọng trách ở nhiều tổ chức, diễn đàn những năm qua đã giúp Việt Nam bước vào Năm APEC 2017 với một tâm thế mới. 

Nhật báo nhận định thêm không phải ngẫu nhiên chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của Năm APEC 2017 được bạn bè, đối tác đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng. 

Trên cơ sở tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, Việt Nam đã đề ra 4 ưu tiên lớn về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Cũng theo nhật báo Kampuchea Thmey, vị thế của Việt Nam đang ngày càng gia tăng và APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất, do diễn đàn này hội tụ 13/25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, cùng nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 

18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) song phương và nhiều bên của Việt Nam. 

Do đó, Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam và là đóng góp quan trọng nhất của Việt Nam đối với hợp tác APEC trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Kết thúc bài viết, nhật báo một lần nữa nhấn mạnh việc Việt Nam là chủ nhà APEC 2017 và được mời tham dự các cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) trong năm nay thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao của bạn bè quốc tế đối với những sáng kiến, ý tưởng hợp tác vượt lên trên tầm khu vực mà Việt Nam đã đề xuất cho APEC. 

Rõ ràng, các hoạt động Năm APEC 2017 sẽ góp phần khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của diễn đàn cũng như vị thế xứng đáng của Việt Nam trong quản trị khu vực và toàn cầu.

  • Từ khóa
19234

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu