Thứ 3, 19/03/2024 16:19:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:49, 07/12/2019 GMT+7

Sự thật về cái gọi là “đồng minh”

Thứ 7, 07/12/2019 | 09:49:00 742 lượt xem
BP - Ngày 5-9-2019, Bình Phước online đăng bài viết: “Không nên cổ súy cho trào lưu sai trái”, đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và quan điểm về “đối tượng - đối tác” của Đảng ta. Bài viết đã vạch trần luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động và lên án tư tưởng lệch lạc, sai trái của một bộ phận nhân dân nhẹ dạ, cả tin mà cổ súy cho trào lưu muốn Việt Nam dựa vào nước này, liên minh với quốc gia này để chống lại quốc gia khác, nhằm giữ chủ quyền đất nước mình. Sự kiện Mỹ bỏ mặc đồng minh - người Kurd - hồi tháng 10-2019 một lần nữa đã minh chứng cho điều đó.

Trong một thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nhanh chóng, khó lường đến từng phút như hiện nay, nơi mà các quốc gia vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt, quyết liệt, nơi mà các nước đều lấy tiêu chí lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, là trên hết, trước hết thì mọi việc đều có thể đổi trắng thay đen mà không cần phải giải thích lý do, cũng không cần phải thông báo, báo trước cho đối tác, thậm chí là đồng minh thân cận.

Việc Mỹ bỏ rơi Philippines, làm ngơ để mặc cho Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012, rồi tuyên chiến thương mại với hàng loạt đồng minh của mình ở Tây Âu; hoặc việc Nhật Bản, Hàn Quốc vì “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong quan hệ thương mại mà cắt đứt việc cung cấp các thông tin tình báo cho nhau, vốn được coi như hòn đá tảng, bức tường thành vững chắc trong việc bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc của 2 quốc gia; hay việc Mỹ tuyên bố hủy diệt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ là những minh chứng điển hình, là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho những ai còn đang hão huyền về một mối quan hệ “đồng minh” hiện nay.

Trước đây, Iran từng là đồng minh thân cận nhất, cánh tay phải đắc lực của Hoa Kỳ tại khu vực Trung Đông khi sẵn sàng phục vụ vô điều kiện các lợi ích của Mỹ. Nhưng kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979 thành công, chính quyền thân Mỹ bị lật đổ, thay vào đó là một chính quyền với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không còn “theo đuôi” Mỹ nữa, lập tức bị Mỹ xếp Iran vào hàng kẻ thù không đội trời chung, là một trong 3 nước thuộc “trục liên minh ma quỷ”, là “quốc gia tài trợ cho khủng bố, cần phải lật đổ” - theo cách gọi của Mỹ. Thế thì, thử hỏi giữa đồng minh và kẻ thù có khoảng cách không? Xin khẳng định chắc chắn rằng không.

Trở lại vấn đề người Kurd, trong lịch sử mối bang giao gần 100 năm qua với nước Mỹ, cộng đồng người Kurd - một dân tộc lớn thứ 4 khu vực Trung Đông - lại rơi vào thảm cảnh là dân tộc đông dân nhất thế giới không có Tổ quốc, không có biên giới lãnh thổ, không có quốc gia của riêng mình. Nói như vậy, không phải là người Kurd không có quốc gia, không có nhà nước riêng, họ từng có một vương quốc, họ từng là một quốc gia độc lập, song nền độc lập của họ là do dựa vào nước khác, do nước khác ban ơn, giúp đỡ dựng lên - tuy nhiên sự giúp đỡ, ban ơn đó lại không xuất phát từ sự chí nghĩa chí tình, thủy chung, trong sáng, mà từ những mưu toan chính trị khác nhau - nên đã nhanh chóng bị thủ tiêu do chính những kẻ đã dựng lên mình. Đó là các năm 1923, với Hiệp ước Lausanne cho phép Anh và Pháp có quyền được vẽ lại biên giới của Iraq, Syria, đế quốc Anh đã đập tan Vương quốc Kurdistan non trẻ mới được thành lập sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất tại Iraq. Sau đó, Anh cho thành lập cái gọi là “Nền cộng hòa Ararat” của người Kurd trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi nhận thấy mình cần người Thổ hơn, Anh đã “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt quốc gia của người Kurd. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush (Bush cha) đã kêu gọi: “Quân đội Iraq và người dân Iraq tự định đoạt quốc gia, buộc nhà độc tài Saddam Hussein từ bỏ quyền lực”. Quá tin tưởng vào đồng minh, người Hồi giáo dòng Shiite và người Kurd đã nổi dậy, song thất bại. Lúc này, thay vì ra tay can thiệp, bảo vệ đồng minh, Washington đã “ngoảnh mặt làm ngơ” để cho quân đội Iraq đàn áp người Kurd.

“Chúng tôi đang phơi ngực trước những mũi dao của Thổ Nhĩ Kỳ” - Mazloum Abdi, Tổng tư lệnh Các lực lượng dân chủ Syria (SDF), với lực lượng chủ lực là dân quân người Kurd, đã phải cay đắng lẫn chua chát thốt lên như vậy khi bị anh bạn đồng minh cùng sống chết có nhau một thuở bên chiến hào chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Syria từ năm 2014 đến nay bỏ rơi. Như vậy, thấy rằng, chỉ có dựa vào chính sức lực của mình, chỉ có đem sức ta mà giải phóng cho ta mới là thượng sách dựng nước, giữ nước đúng đắn nhất, đó là chân lý đã được khẳng định từ thuở cha ông ta dựng nước Văn Lang, Âu Lạc, qua các triều đại phong kiến, qua thời đại Hồ Chí Minh đến giai đoạn hiện nay.

Một đất nước, một dân tộc đã phải kinh qua gần 1.000 năm chìm trong đêm trường đen tối, phải làm kiếp ngựa trâu cho các thế lực, triều đình phong kiến phương Bắc. Nhưng, dân tộc đó vẫn có sức sống mãnh liệt, trường tồn, không bị đồng hóa, Hán hóa mà đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, lật đổ ách đô hộ, giành quyền độc lập, xưng đế, xưng vương, hiên ngang tồn tại với các triều đại phương Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Vậy thì, không thể và không bao giờ, chúng ta lại dựa vào nước này để chống lại nước kia, không bao giờ liên minh với nước này để chống lại nước khác, không bao giờ giao phó tính mạng và tài sản của mình vào tay kẻ khác, vì làm như vậy chính là hành động “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Vì vậy, trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thừng khước từ lời đề nghị của Mao Trạch Đông: “Các đồng chí cứ yên tâm đánh Mỹ, miền Bắc để chúng tôi giữ cho”.

Việt Nam là một dân tộc đặc biệt, một quốc gia đặc biệt với truyền thống và ý chí đã được hun đúc nên từ những trang sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và các thế lực bành trướng, cường quyền. Một dân tộc với lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước thì cũng trải qua ngần ấy thời gian đấu tranh giữ nước. Có nơi đâu như đất nước này, ra ngoài ngõ gặp ngay anh hùng. Cả trăm dân tộc Việt (sử sách gọi là Bách Việt) đều đã bị đồng hóa, bị Hán hóa, song chúng ta vẫn tồn tại hiên ngang đến ngày nay mà không một thế lực nào có thể khuất phục được. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Truyền thống hào hùng của dân tộc đã rèn luyện cho chúng ta sự bình tĩnh, tỉnh táo và tinh thần cảnh giác cao độ. Chúng ta phải biết tự lực cánh sinh, phải biết lấy “dĩ bất biến ứng vạn biến” để bảo vệ non sông gấm vóc này. Đừng quá mơ hồ, ảo tưởng mà đặt hết niềm tin, hy vọng, đặt cả vận mạng của chính mình vào những mối quan hệ đồng minh mộng tưởng ngày nay. Bởi vì, hôm nay là đồng minh đấy, nhưng chỉ ngày mai thôi - chứ không phải xa xôi gì - lập tức trở thành vật tế thần để đổi lấy những lợi ích, vật chất của chính kẻ hôm qua vẫn là đồng minh của mình.

Tóm lại, trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, nơi mà mọi giá trị thiêng liêng như đồng minh cũng có thể trở thành hàng hóa thì tư tưởng dựa vào sức mình, đem sức ta mà giải phóng cho ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng đúng đắn hơn bao giờ hết. Đồng minh hay liên minh chỉ là những mỹ từ “chót lưỡi đầu môi” hòng mị dân, lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của các thế lực thù địch, phản động mà thôi.

Thanh Quang (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2879

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu