Thứ 6, 19/04/2024 14:59:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:08, 29/11/2018 GMT+7

Sự suy diễn vô căn cứ

Thứ 5, 29/11/2018 | 09:08:00 1,115 lượt xem
BP - Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2016-2021, các thế lực thù địch, phản động liền lu loa rằng như thế là độc đoán chuyên quyền, mất dân chủ... Thâm độc hơn, chúng còn tung tin thất thiệt rằng, Việt Nam sẽ thực hiện cơ chế Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Đây là những luận điệu xuyên tạc, sự suy diễn vô căn cứ.

Bởi vì, lãnh đạo Đảng đứng đầu Nhà nước là một mô hình có nhiều điểm thuận lợi, được nhiều hơn mất. Trước hết, sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước, thực hiện tốt Điều 4, Hiến pháp năm 2013 “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”; đồng thời giúp nâng cao hơn nữa vị thế của người đứng đầu Nhà nước trong thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại. Mặt khác, sẽ càng khẳng định và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Như vậy, khi một người đảm nhiệm cả 2 chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước thì đòi hỏi phải có những phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín cần thiết để xử lý thành công cả vai trò lãnh đạo của Đảng và thực hiện quyền lực nhà nước. Chính điều đó càng khẳng định và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Đương nhiên là khi một người đảm nhiệm cả 2 vị trí cao nhất của Đảng và Nhà nước thì vấn đề đặt ra là phải kiểm soát tốt quyền lực, không để xảy ra độc đoán, chuyên quyền, lạm quyền. Về vấn đề này thì thời gian qua, Đảng ta đã xây dựng, ban hành và thực hiện rất tốt các quy định về kiểm soát quyền lực, từng bước “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu. Chúng ta đã và đang kiểm soát tốt quyền lực bằng Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật; bằng các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bằng giám sát của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ hai, đây không phải là ý muốn chủ quan của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, mà đó là ý nguyện của đảng viên và đông đảo nhân dân, thông qua 100% Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu vào vị trí Chủ tịch nước, 99,79% đại biểu Quốc hội nhất trí bầu đồng chí làm Chủ tịch nước. Là người đứng đầu Đảng, song Tổng Bí thư cũng là một đảng viên, vì vậy đồng chí phải chấp hành sự phân công của Đảng. Là đảng viên nên đồng chí Nguyễn Phú Trọng phải gương mẫu thực hiện Điều lệ Đảng: “Phải phục tùng tuyệt đối sự phân công, điều động của Đảng”. Vì vậy, nói đồng chí Nguyễn Phú Trọng đam mê quyền lực là bịa đặt, vu khống trơ trẽn, trắng trợn.

Thứ ba, có áp dụng Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước hay không phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng thời kỳ lịch sử, thực tiễn của Đảng, Nhà nước và phải có những con người cụ thể hội đủ các yếu tố cần thiết. Vì vậy, có thể thấy điều kiện thực tiễn lúc này chúng ta thực hiện Tổng Bí thư đồng thời giữ chức Chủ tịch nước là phù hợp. Bởi rõ ràng hiện nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức để đảm nhiệm chức danh Chủ tịch nước. Uy tín của đồng chí hiện rất cao trong Đảng và toàn xã hội. Vì vậy, việc một người như đồng chí Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cả hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước là xứng đáng, phù hợp với nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt hơn, trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc chiến chống tham nhũng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát động và chỉ huy đang ở giai đoạn quyết định, cần phải có những quyết sách kịp thời, đúng đắn, mạnh mẽ.

Thứ tư, đây là trường hợp phù hợp thông lệ quốc tế và tiền lệ của Việt Nam. Nhìn ra thế giới thì mô hình tuy đa dạng, song về cơ bản, với đa số các quốc gia, lãnh đạo đảng cầm quyền là người đứng đầu nhà nước hay nội các, như trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, hay Cộng hòa Pháp... Ông Shinzo Abe là Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do cầm quyền, đồng thời là Thủ tướng Nhật. Hay ở Cuba, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng... Như vậy, phương thức tổ chức nêu trên mang tính phổ biến, vừa củng cố vị thế của đảng chính trị cầm quyền vừa tăng cường trách nhiệm quản lý của Nhà nước. Với nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng có thời gian dài vừa là Chủ tịch Đảng vừa là Chủ tịch nước (1951-1969).

Cuối cùng, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm chức danh Chủ tịch nước chỉ là sự “gặp gỡ của lịch sử”. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 8-10-2018, cũng đã khẳng định “Không nên nói là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, vì đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau. Cũng không nên nói nhất thể hóa, vì không phải nhất thể hóa mà nôm na là bầu cho một người để làm hai công việc”. Vì vậy, nói Việt Nam sẽ thực hiện mô hình Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước là sự suy diễn vô căn cứ, lừa bịp, làm rối loạn nền chính trị và dư luận trong nhân dân.

Tóm lại, việc Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước là kết quả của ý Đảng, lòng dân hòa quyện làm một, diễn ra trong bối cảnh thế nước đang lên, lòng dân kết khối, vận Đảng hoàn thiện. Nói về sự kiện này, nhà báo Nhị Lê (Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản) tóm tắt: Lịch sử sẽ tự mở đường đi cho nó, những thế hệ sẽ tự mở đường đi cho mình. Nhưng đường đi của ngày mai như thế nào thì bắt đầu từ hôm nay và ngày hôm nay là kết quả của hôm qua... Sự suy diễn của các thế lực thù địch, phản động chỉ như tiếng chim lạc loài giữa bầu trời tươi xanh, mặc dù biết là sẽ không thể đánh lừa được dư luận, song chúng vẫn lu loa, xuyên tạc vì đây vốn là bản chất của chúng. Vì vậy, mọi người nên có cái nhìn toàn diện, khách quan khi tiếp nhận các thông tin, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng làm công cụ để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Thanh Quang (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2816

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu