Thứ 6, 19/04/2024 15:48:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:03, 22/03/2017 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Thứ 4, 22/03/2017 | 16:03:00 169 lượt xem

BP - Gần đây, người dân xã Phú Trung (Phú Riềng) cảm phục khi biết có 2 phụ nữ trong xã tình nguyện hiến xác cho y học. “Một cơ thể được hiến giúp những bác sĩ tương lai có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành trên cơ thể sống nhằm tìm ra các phương pháp chữa bệnh cứu người hiệu quả. Sau khi tìm hiểu kỹ quy trình hiến xác, tôi quyết định viết đơn hiến xác cho Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Tôi muốn biến sự trở về cát bụi của mình thành việc có ích cho cộng đồng” - đó là chia sẻ của chị Trần Thị Loan (44 tuổi) ở thôn Phú Lâm và bà N.T.T (60 tuổi), thôn Phú Tâm.

Hằng ngày ngoài thời gian làm rẫy, chị Loan vẫn âm thầm làm từ thiện, vận động các nhà hảo tâm xin quần áo cũ, nhu yếu phẩm giúp những hoàn cảnh khó khănHằng ngày ngoài thời gian làm rẫy, chị Loan vẫn âm thầm làm từ thiện, vận động các nhà hảo tâm xin quần áo cũ, nhu yếu phẩm giúp những hoàn cảnh khó khăn

Cho sự sống nối dài

Chị Loan tiếp chúng tôi trong căn nhà xây khang trang, lọt thỏm giữa tán điều đang mùa thu hoạch. Nhà nghèo nên chị Loan chỉ học hết lớp 4 rồi ở nhà chăn bò phụ cha mẹ. Lớn lên chị lập gia đình rồi theo chồng đi kinh tế mới. Nhiều năm vất vả dành dụm, đến nay kinh tế gia đình chị đã ổn định với 5 ha điều, 1,8 ha cao su. 4 người con đều học hành thành đạt. Nhiều năm nay, gia đình chị Loan là địa chỉ giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn. Hễ nghe ở đâu có người cần giúp đỡ là chị lại sắp xếp việc nhà đi vận động nhà hảo tâm xin quần áo, lương thực rồi trao tận tay hộ nghèo. Vợ chồng chị còn là gương sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện của xã. Tham gia hiến máu từ năm 2000, đến nay cả gia đình chị đã có trên 50 lần hiến, vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Khi được hỏi điều gì khiến chị tình nguyện làm một việc mà nhiều người cho là “khác thường”? (hiến xác cho y học - PV), chị Loan cười hiền: Hằng ngày xem đài, báo thấy khoa giải phẫu ở các trường y trong nước gặp khó khăn, ít khi có tiêu bản thật cho sinh viên thực tập. Tôi nghĩ chết là hết, tại sao mình không hiến xác để giúp sinh viên ngành y nâng cao tay nghề? Năm 2010, tôi âm thầm lên mạng tìm hiểu thủ tục hiến xác rồi viết thư gửi Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Khi đem chuyện này ra bàn, chồng tôi nửa tin nửa ngờ, cho rằng vợ chỉ đùa cho vui. Khi biết tôi chia sẻ nghiêm túc thì ông ấy không nói gì. Mấy ngày sau vợ chồng không nói chuyện với nhau. Tôi biết ông rất buồn vì quan niệm xưa nay ai cũng muốn “mồ yên mả đẹp”, động vào mồ mả, thân xác người chết là điều cấm kỵ. Các con tôi biết chuyện cũng xin nghỉ học về phản đối việc làm của mẹ. Cùng với đó là lời ra tiếng vào của bạn bè, hàng xóm, láng giềng. Họ cho rằng đó là việc làm gàn dở. Tôi luôn tâm niệm: “Con người khi chết sẽ hóa thành cát bụi. Nếu đem đi chôn, trong lúc sinh viên các trường y thiếu xác người thật để thực tập và nghiên cứu khoa học thì thật lãng phí. Tôi muốn sau khi mất, cơ thể mình vẫn có thể phục vụ cho cuộc sống. Hiểu được ước nguyện của tôi, chồng và các con cũng dần thông cảm, đồng ý”.

Hằng ngày, ngoài thời gian làm rẫy, chị Loan vẫn âm thầm làm từ thiện giúp những hoàn cảnh khó khăn. Bởi chị hiểu được rằng, những điều tốt đẹp cần được nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.

Việc làm thầm lặng không mong nhiều người biết

Tiệm phở nhỏ sát bên đường gần UBND xã Phú Trung của gia đình bà N.T.T được nhiều người biết đến bởi tính tình xởi lởi, dễ gần của người phụ nữ gốc miền Tây. Bà T rời Tiền Giang cùng chồng lên Bình Phước lập nghiệp năm 2002, sống bằng nghề bán phở. Không có con, anh em thì mỗi người một nơi, bệnh đau khớp tuổi già khiến kinh tế gia đình không mấy dư giả. Tiền bán phở hằng tháng đều dành chữa bệnh. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, nhưng bà T luôn có tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng chia sẻ khi gặp hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Quan niệm sống chết vì người khác, hiến xác cho y học rất chất phác, thật thà như chính con người bà.

Bà T cho biết: Tôi nuôi ước nguyện này từ năm 40 tuổi nhưng không dám nói ra. Năm 2014, trong một lần đi mổ khớp gối, tôi đến Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu quy trình hiến xác. Thời điểm tôi quyết định hiến xác thì chồng không biết. Chỉ sau khi làm xong thủ tục, tôi mới nói với chồng. Biết ước nguyện của vợ, chồng tôi không ngăn cản mà luôn động viên, ủng hộ, coi đó là việc làm có ích.

Đăng ký hiến xác cho y học, bà T không muốn tiết lộ danh tính vì cho rằng, giúp đời, giúp người là niềm vui, niềm hạnh phúc lúc về già. Việc làm của mình chỉ là hạt cát nhỏ, không cần nhiều người biết. Ý nguyện hiến xác hoàn thành, từ khi cầm tờ giấy chứng nhận “Người tự nguyện hiến thi hài sau khi qua đời cho y học” do Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cấp đến nay, bà T không còn bận tâm với sự giàu nghèo, bệnh tật.

“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Chỉ là những nông dân bình dị, nhưng chị Loan, bà T đã làm được việc xưa nay ít người dám làm. Vượt qua sức ép của tâm linh, dư luận, hành động của chị Loan, bà T rất đáng được xã hội trân trọng, noi gương. Hy vọng trong xã hội sẽ ngày càng có nhiều tấm gương biết “cho và nhận” để nhân lên những điều tốt đẹp, hữu ích cho đời.

 Ngân Hà

  • Từ khóa
57951

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu