Thứ 6, 26/04/2024 00:41:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:05, 04/08/2016 GMT+7

Sông Đắk Huýt “kêu cứu”

Thứ 5, 04/08/2016 | 07:05:00 1,713 lượt xem

BP - Sông Đắk Huýt (Đắk Quýt) bắt nguồn từ Campuchia đổ vào Việt Nam. Trong đó, đoạn từ biên giới đến hồ chứa thủy điện Cần Đơn chảy qua 2 huyện Bù Đốp và Bù Gia Mập dài khoảng 34km. Do địa hình đồi dốc và chạy dọc hai bên sông là những cánh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn nên có rất nhiều con suối đổ ra. Vì vậy, Đắk Huýt có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái của huyện Bù Đốp và cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Cần Đơn hoạt động. Tuy nhiên, dòng chảy của sông đang ngày bị bồi lấp nghiêm trọng và nhiều con suối có nguy cơ bị xóa sổ.

Một đoạn suối Tức (Bù Đốp) bị bồi lấp, lòng suối chỉ còn là một rãnh nhỏ chảy ra sông Đắk HuýtMột đoạn suối Tức (Bù Đốp) bị bồi lấp, lòng suối chỉ còn là một rãnh nhỏ chảy ra sông Đắk Huýt

Trong chuyến đi cùng đoàn cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp khảo sát từ thượng nguồn sông Đắk Huýt về hồ Cần Đơn vừa qua, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh hai bên bờ các con suối chảy ra sông đất bồi tràn xuống lòng suối khá nhiều, làm thay đổi hoặc nghẽn dòng chảy. Tại khu vực suối Cây Da Đôi, suối Tức, suối Ké, suối Ba Bôi, suối Tưng, suối Nọc Tiêu, suối Cây Củi... thuộc địa phận huyện Bù Đốp, những đụn đất bồi khổng lồ tràn xuống gần hết một đoạn suối đổ ra sông Đắk Huýt. Huyện Bù Gia Mập cũng có khoảng 6 con suối, như Đức Hạnh, Nước Đục... bị bồi lấp, có nơi suối đã thay đổi dòng chảy sang hướng khác do bị những bãi đất bồi chắn ngang.

Men theo triền sông, đoạn thuộc địa phận các xã Bù Gia Mập, Phú Nghĩa, Đắk Ơ của huyện Bù Gia Mập, hầu như đoạn nào cũng bị sạt lở, xói mòn đất. Được biết, do mưa lớn, nước chảy mạnh gây xói mòn và đưa đất, đá từ các ngọn đồi trọc đổ xuống khe, suối, hình thành những bãi bồi lấp khổng lồ khiến lòng sông, suối bị bồi lấp, dẫn đến thay đổi dòng chảy. Nhiều đoạn đất tràn ra đến 4-5m, thậm chí chiếm quá nửa lòng suối.

Gần 10 năm làm việc trong ngành kiểm lâm và đã có hàng ngàn lần lái tắc ráng, ghe, tàu, ca nô đi lại trên sông Đắk Huýt, anh Nguyễn Quang Hậu, nhân viên Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp không khỏi trăn trở: Khu vực Vườn Chuối, cách hồ Cần Đơn 15km, những năm trước, ghe thuyền qua lại quanh năm dễ dàng nhưng nay ở điểm này, một nửa khúc sông đã bị bồi lấp bởi những đống đất, đá khổng lồ. Phần còn lại tạo thành một khúc ghềnh và bãi sình rất nguy hiểm. Nếu không thông thuộc địa hình và nắm bắt tình hình kịp thời, muốn lên thượng nguồn, ghe, thuyền, ca nô rất khó qua khu vực này.

Một đoạn suối Cây Da Đôi (ảnh lớn) và đoạn suối Ba Bôi (ảnh nhỏ), huyện Bù Đốp đều bị bồi lấp dẫn đến lòng suối chỉ còn là một rãnh nhỏ để chảy ra sông Đắk HuýtMột đoạn suối Cây Da Đôi (ảnh lớn) và đoạn suối Ba Bôi (ảnh nhỏ), huyện Bù Đốp đều bị bồi lấp dẫn đến lòng suối chỉ còn là một rãnh nhỏ để chảy ra sông Đắk Huýt

Ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp cho biết: “Hiện tượng bồi lấp các khe, suối trên sông Đắk Huýt đã diễn ra từ nhiều năm nay, nghiêm trọng nhất trong 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân do tình trạng phá rừng và chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, điều... Thậm chí lòng hồ Cần Đơn cũng đang bị bồi lấp rất lớn vì lượng đất, đá “tuồn” từ các quả đồi trọc do mất rừng xả xuống sông Đắk Huýt mỗi năm”. Trong khi đó, chúng tôi nhìn từ lòng hồ về phía các xã của huyện Bù Gia Mập thì rừng hầu như không còn mà thay vào đó là diện tích cao su, điều đã lấn ra tận bờ sông.

Theo thống kê, từ năm 2003 đến nay, huyện Bù Đốp có 16 dự án chuyển đổi đất rừng để trồng cao su với quy hoạch chuyển đổi 4.600 ha và đã chuyển đổi 4.400 ha. Bù Đốp hiện còn trên 6.400 ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái; điều tiết nguồn nước đối với hệ thống sông Bé, hồ thủy điện Cần Đơn và cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân trên địa bàn. Nếu tiếp tục để mất rừng hay chuyển đổi đất rừng như thời gian qua, chắc chắn sông Đắk Huýt và hồ thủy điện sẽ bị bồi lấp và trở thành những bãi sình trong tương lai không xa.

Để cứu sông Đắk Huýt, vấn đề cấp bách hiện nay là phải dừng ngay các dự án chuyển đổi rừng ở Bù Đốp; nạo vét đất bồi khu vực các suối bị bồi lấp; tiếp tục thực hiện dự án trồng rừng bán ngập chống xói mòn; thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng đầu nguồn và rừng vành đai. Rừng nghèo đi là do chính con người làm cho rừng ngày càng cạn kiệt. Nếu rừng được giữ, bảo vệ tốt thì chỉ 5-10 năm là có thể phục hồi.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp Nguyễn Văn Ách

Trọng - Phương

  • Từ khóa
93024

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu