Thứ 6, 19/04/2024 19:09:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:27, 13/03/2015 GMT+7

Số hên

Thứ 6, 13/03/2015 | 15:27:00 195 lượt xem
BPO - Người phụ nữ trong chiếc áo bà ba hồn hậu, duyên dáng đứng cạnh một ông Tây trang nghiêm chào cờ vào mỗi sáng thứ hai tại Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài (Q.3, TP.HCM).

Hình ảnh lạ mắt này đã dần quen thuộc tại đây hơn mười năm nay, nhất là vào độ cuối đông, đầu xuân. Người phụ nữ ấy, bà Đinh Kim Nguyệt (Chủ tịch Ủy ban bảo tồn văn hóa truyền thống đa sắc tộc tiểu bang Yukon, Canada) tươi cười chia sẻ: “Vợ chồng tôi thường thu xếp một vài tháng về Việt Nam ăn Tết để trốn mùa đông băng giá Yukon (có khi xuống đến âm 400C). Ngoài cái ấm của đất trời, còn có cái ấm của tình người giục vợ chồng tôi tìm về”.

Bà Nguyệt - ông Laight sửa soạn bàn thờ cúng tổ tiên đêm giao thừa Tết Ất Mùi

Cùng “xuất khẩu” Tết Việt

Trong khi Tết ở nhiều nơi hầu như chỉ là dịp vui chơi, tận hưởng, Tết Việt lại mang sứ mệnh gắn kết tình thâm, chia sẻ yêu thương với gia đình, bạn bè, làng xóm. Ông Peter Duncan Laight (chồng bà Nguyệt, Thứ trưởng Bộ Tài chính Yukon - hiện đã nghỉ hưu) bất ngờ khi nhận ra điều thú vị này từ năm đầu tiên ăn Tết ở quê vợ, năm 2002. Vừa trang hoàng nhà cửa, chế biến thức ăn, bà Nguyệt vừa nói cho chồng biết ý nghĩa của bánh chưng; của bốn món truyền thống giò, nem, ninh, mọc; của mâm ngũ quả. Ông Laight nhớ như in lần đầu ăn Tết Việt, tối mùng ba, khách đã đến đập cửa trà quán Kissaten nổi tiếng của bà, thế là cả nhà phải “vắt chân lên cổ” phục vụ đến 22 bàn trà suốt buổi tối. Không thể là tiếp viên cũng không thể đứng quầy tính tiền, ông bối rối, loay hoay, cuối cùng ông tìm được một việc “rất hợp với dáng mình”: giữ xe cho khách.

Đã 10 lần ăn Tết Việt, năm nay, ông Laight vẫn còn vẹn nguyên niềm háo hức. “Tết thật hấp dẫn vì rất đông vui, thức ăn phong phú, món nào cũng thơm ngon, đậm đà. Tục chúc Tết, lì xì, xông đất quá lạ và mang nhiều ý nghĩa. Theo bà xã về đây, tôi học hỏi được nhiều điều từ Tết Việt” - ông Laight hào hứng. Cũng như những năm trước, ông bà là đại diện của kiều bào được mời dự lễ tất niên do Bộ Ngoại giao tổ chức đêm giao thừa cùng đón nhận lời chúc trên mạng của các con của bà từ Canada; các ngày Tết cùng quây quần với các anh, em của bà, đi chúc xuân, thăm thú họ hàng, bạn bè và không quên thưởng thức vẻ đẹp rực rỡ của đường hoa. 

Với ông, dù đã bước qua tuổi 60, bà vẫn đẹp trong tà áo dài truyền thống thướt tha dưới nắng xuân Sài Gòn. Đặc biệt, mùng một Tết, bà Nguyệt khai bút, thu góp những kinh nghiệm trong năm qua và ghi lại những ý tưởng mới để viết thành bài và dịch ra nhiều thứ tiếng gửi đăng báo hay tải lên trang mạng cá nhân. Hạnh phúc đầm ấm nhất là khi ông bà cùng nhâm nhi tách trà tuyệt hảo do chính tay bà chăm chút trong không gian trà đạo tĩnh lặng, huyền ảo, tao nhã nhà mình.

Dù trước nay chỉ vui hai cái Tết ở quê chồng, bà Nguyệt đã tạo dấu ấn với chương trình tổ chức Tết Nguyên đán đầu tiên cho cộng đồng người Việt và các dân tộc ở Yukon từ nguồn ngân quỹ quốc gia Canada. Mọi người cùng gói bánh chưng, phá cỗ, biểu diễn trang phục truyền thống, hát những giai điệu quê hương, viết câu đối đỏ, coi múa lân hay trò chuyện tâm tình và chia sẻ với người địa phương về phong tục đẹp của Việt Nam. Những người con xa xứ òa vỡ niềm hứng khởi rồi lại rưng rưng nỗi nhớ quê nhà. Khi hoạt động đã vào nếp, những Tết vắng mặt “trưởng ban tổ chức”, bà con Yukon cũng lại tìm đến nhau, góp ấm cho nhau.

Bà Kim Nguyệt cũng là linh hồn của các chương trình Tết Trung thu, đưa sách Việt đến các thư viện công cộng, dạy tiếng Việt cho người gốc Việt. “Nếu không có văn hóa, nếu mất gốc, không biết mình là ai… thì những người Việt ly hương sẽ trở thành một khối lơ lửng, chơi vơi, không có tên gọi. Nếu họ không biết quý, không biết giữ bản sắc thì không thể giáo dục con cháu yêu quý nguồn cội được”, bà Nguyệt nói. Trân trọng tâm huyết giữ gìn bản sắc văn hóa này của vợ, ông Laight trở thành trợ thủ đắc lực, giúp bà từ việc vận động nguồn kinh phí, giữ an ninh, đến thiết kế những tiết mục hấp dẫn, thấm đẫm tinh thần dân tộc. Chàng rể Tây đã nhuốm hồn Việt qua việc giỏi cầm đũa, thèm nước mắm, ghiền món ăn Việt, say mê đọc sử Việt, yêu nét mộc mạc, thân tình của con người Việt và đặc biệt trong nhà có lập bàn thờ, hàng đêm thắp nến thơm để tưởng nhớ ông bà. Những điều này ở ông hình thành từ sự trân quý nét đẹp văn hóa dân tộc và “càng đi thì lại càng về” của vợ.

Vợ chồng bà Đinh Kim Nguyệt - ông Peter Duncan Laight đi chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10) ngày Tết

Thương nhiều chiếc áo bà ba…

“Để các con được du học thì kết hôn với người nước ngoài là con đường thuận tiện nhất. Chúng tôi gặp nhau năm 2000, ông ấy gần nghỉ hưu, theo quy định ở Canada, nếu ông có vợ thì người vợ sẽ cùng được hưởng lương hưu của ông. Lẽ nữa, tôi làm trong ngành du lịch, mà thời điểm ấy Canada là một miền đất xa lạ, một thị trường đầy tiềm năng để khai thác tour…”. Thoạt nghe bà kể căn nguyên của mối duyên muộn với ông Laight, tôi thoáng nghĩ dại “với sự tính toán hơn thiệt, liệu cuộc trăm năm của ông bà có đi đến đích?”. Nhưng, câu trả lời đã hiển hiện trước mắt tôi bằng mười mấy năm ông bà như hình với bóng trên mọi nẻo đường ở khắp năm châu, bằng ánh mắt ông âu yếm nhìn vợ công phu pha trà để cùng đối ẩm mỗi sáng; bằng việc bà nhường ông gắp thức ăn trước…

Đã biết Canada là đất nước nữ quyền nhưng bà Kim Nguyệt vẫn sốc khi thấy người phụ nữ không làm gì trong gia đình, trăm thứ việc đều trút lên người đàn ông. Bà Nguyệt không gọi đó là sự sung sướng hay hưởng thụ mà cho đó là cách phụ nữ tự làm mình “què quặt”. Trong nhà, bà thờ ba chữ vàng “Đức Cao Niên” - bút tự của cha để lại. Bà chăm sóc chồng ân cần, tận tụy đến nỗi những người trong gia đình ông Laight gọi đùa ông là “em bé” dù ông đã 72 cái xuân xanh. Ông bà thường tranh nhau nhận mình “hên” trong cuộc hôn nhân này, cuộc sống của mỗi người được lấp đầy từ nửa kia.

Ông Laight thú thật đã bị hớp hồn bởi vẻ giản dị, tự tin của bà Nguyệt trong chiếc áo bà ba. Đối lại, sự thâm thúy, khiêm nhường và giản dị của ông cho bà sự tin cậy để làm lại từ đầu ở tuổi 50. Tuy thế, để tỏ sự tôn trọng tự do của nhau, khi nhận lời cầu hôn của ông, bà kèm theo hôn khế với điều cơ bản là nếu xa nhau hơn ba tháng thì đương nhiên ly hôn.

Bà nhìn ông, châm chọc: “Do khế ước quy định như vậy nên tôi đi đâu, ông ấy cũng đi theo, không dám xa lâu. Lý do khác, ông muốn theo sát để được tôi “hầu”: nấu cho ăn, mua bánh cho ăn, dắt đi cắt tóc. Em bé mà…”. Bà kể, bà vốn thẳng tính, thấy ở ông có điều gì trái ý là bà kiên trì tranh đấu. Đôi khi, trong “cuộc chiến” giằng co, ông vò đầu bứt tóc hỏi: “Trời ơi! Sao bình thường bà nói tiếng Anh hay bị sai mà khi cãi nhau lại nói chuẩn thế?”. Đang nóng giận bừng bừng, bà bật cười và tự nhận ra mình quá đà; rồi nhớ lại thời trẻ, cũng vì thẳng tính, bà trót nói những lời đau lòng đối với người chồng trước, khi ông mất rồi thì đâu thể sửa sai được.

Thẳm sâu trong lời kể hài hước của bà là triết lý: trong hôn nhân, yếu tố bền chặt không phải là sự ràng buộc của pháp lý, thỏa ước, kinh tế hay con cái mà chính là sự tôn trọng, là sức hút của nhau và người này hữu ích đối với cuộc sống của người kia. Sự hữu ích của ông là giúp bà tạo dựng sự nghiệp cho các con tại Canada. Còn bà đã là sợi dây dịu mềm thắt chặt, vun đắp tình cảm cha - con, anh - em của dòng họ ông, làm cho đại gia đình thêm ấm thêm vui.

Nguồn PNO

  • Từ khóa
107646

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu