Thứ 6, 19/04/2024 16:09:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:59, 10/01/2020 GMT+7

Sao phải đối phó?

An Nhiên
Thứ 6, 10/01/2020 | 09:59:00 391 lượt xem
BPO - Ngay ngày đầu năm 2020, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, với mức phạt cho hành vi uống rượu, bia mà lái xe lên tới 40 triệu đồng đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Bởi nó gắn liền với “hầu bao” của nhiều gia đình nhưng lại đi liền với thói quen ăn nhậu rất khó bỏ được ngay.

 Pháp luật của bất cứ quốc gia nào cũng có vai trò điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong xã hội pháp quyền, tầm quan trọng của pháp luật không chỉ đối với cá nhân, tổ chức mà còn đối với sự tồn tại và vận hành bình thường của chế độ. Sự hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước ta hiện nay. Và việc phạt nặng khi đã uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang được cả xã hội đồng tình, vì số ca tai nạn, phải cấp cứu, thương tích, tử vong đã giảm đáng kể. Con số Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra những ngày đầu năm 2020 rất đáng mừng: Bình quân giảm 4 ca tử vong mỗi ngày so cùng kỳ năm 2019.

Như vậy có thể thấy, hiệu quả tích cực của Nghị định số 100 đã được ghi nhận và đang dần đi vào đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người cảm thấy bất an vì khó ngưng nhậu ngay với lý do thú vui, công việc, xã giao... Và để đối phó với cảnh sát giao thông, họ bắt đầu xoay xở, đi tìm các loại thực phẩm chức năng giải rượu “ngay và luôn” được quảng cáo như thần dược để làm “bảo bối” sau cuộc nhậu (?!).

Đúng là “có cầu ắt có cung”, đánh trúng tâm lý các “bác tài” lo sợ về mức xử phạt mới khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng và kẹo được quảng cáo giúp “tẩy nhanh nồng độ cồn”, “giải rượu bia thần tốc”... Chính những lời quảng cáo “có cánh” như: Trước khi uống rượu chỉ cần ăn kẹo là yên tâm nhậu tới bến; uống no mà không sợ đo nồng độ cồn... đã khiến các “đệ tử lưu linh” săn lùng. Thậm chí có bà vợ vì lo chồng bị phạt sẽ mất một khoản tiền không nhỏ cũng tìm mua cho chồng “phòng thân”...

Thực tế, quy trình giải rượu trong cơ thể mỗi người là hoạt động sinh học. Muốn giải độc rượu nhanh, hết nồng độ cồn trong máu sớm thì lá gan phải khỏe và muốn vậy phải chủ động bồi bổ gan từ trước, chứ không phải ăn vài viên kẹo, uống viên thuốc là hết cồn trong máu nhanh chóng. Việc thải độ cồn nhanh hay chậm tùy vào cơ địa mỗi người, liều lượng uống rượu, bia... Ngày 6-1-2020, Cục Quản lý dược Bộ Y tế cho biết, chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng như vậy. Vì thế, nếu các “thượng đế” đã nhậu, bắt gan chuyển hóa rượu, bia còn phải thải thêm độc tố từ thuốc, thực phẩm chức năng thì khác nào đẩy gan đến chỗ suy nặng hơn.

Để bảo vệ bản thân, tốt nhất không lạm dụng rượu bia, nhất là khi tham gia giao thông. Trong trường hợp cần thiết phải uống rượu, bia thì dứt khoát không lái xe và đừng bao giờ tin vào những viên “thần dược giải rượu” đang được quảng cáo rầm rộ để rồi tiền mất mà rước họa vào thân.

  • Từ khóa
109261

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu