Thứ 4, 17/04/2024 03:46:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:52, 08/04/2016 GMT+7

Chất vấn giữa hai kỳ họp - hình thức giám sát thiết thực, hiệu quả

Thứ 6, 08/04/2016 | 08:52:00 2,314 lượt xem
BP - Trong lộ trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật của HĐND tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ vừa qua, một hoạt động đáng ghi nhận, trở thành kinh nghiệm quý, được nhiều địa phương học tập là hoạt động chất vấn giữa hai kỳ họp.

>> HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng đại diện và quyết định 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Am chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VIIIĐại biểu Nguyễn Ngọc Am chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VIII

Việc tổ chức hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp được thực hiện từ giữa năm 2012, trên cơ sở vận dụng cách làm hay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xử lý vấn đề chất vấn của đại biểu giữa hai kỳ họp. Đây là hình thức giám sát trực tiếp, rất hiệu quả, được đại biểu HĐND tỉnh, cử tri đồng tình và báo chí quan tâm. Thông qua hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương được giải quyết ngay thay vì phải chờ đến kỳ họp HĐND giữa năm hoặc kỳ họp cuối năm, tức là phải mất 6 tháng mới được đưa ra xem xét, giải quyết. Việc chất vấn giữa hai kỳ họp còn giảm áp lực về thời gian của các kỳ họp, giảm áp lực tâm lý cho người chất vấn cũng như người được chất vấn.

Hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp còn là diễn đàn dân chủ để đại biểu HĐND tỉnh tích cực hơn trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, phát huy được kiến thức của các đại biểu có chuyên môn sâu về lĩnh vực chất vấn, làm rõ được các vấn đề còn tồn tại, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và khẳng định, nâng cao vị thế của HĐND tỉnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh 

Thành phần dự hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp đầy đủ các cơ quan có chức năng giám sát, gồm Thường trực HĐND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, tổ trưởng tổ đại biểu HĐND, các vị đại biểu HĐND đăng ký chất vấn, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của UBND trả lời chất vấn và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh. Trình tự, thủ tục tiến hành như phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND.

Đại biểu Nguyễn Thị Tâm chất vấn ông Trương Quang Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước  về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thônĐại biểu Nguyễn Thị Tâm chất vấn ông Trương Quang Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước  về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Qua 6 hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp, đã có 14 lượt lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn như: Việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; việc triển khai thực hiện ứng dụng đối với các đề tài khoa học của tỉnh đã được nghiệm thu; kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; kết quả thực hiện các chương trình, dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số; thực trạng và giải pháp nâng cao y đức của đội ngũ y, bác sĩ; tiến độ thực hiện việc cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất lâm phần sau quy hoạch lại ba loại rừng; tình hình ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo các dự án và nợ đọng xây dựng cơ bản... Đây là những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm.

Cái hay của việc chất vấn giữa hai kỳ họp là tạo sự thoải mái, tự tin cho cả đại biểu cũng như lãnh đạo các cơ quan chuyên môn khi trực diện nói về những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc mà không có truyền hình trực tiếp nên dễ nói thẳng, nói thật, truy vấn đến cùng. Vì vậy có thể giải quyết nhanh được những vấn đề phức tạp, nhạy cảm.

Thời điểm giữa kỳ họp thứ 9 và thứ 10, khi chủ tọa hội nghị chất vấn nêu tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản đang là vấn đề nổi cộm trên toàn tỉnh, đã có 7 lượt ý kiến chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư về tính chính xác của số liệu nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản, giải pháp trả nợ, việc đối ứng vốn của tỉnh với các dự án, việc xử lý các dự án đã được phê duyệt trong thời gian dài nhưng chưa được bố trí vốn, việc thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10-10-2012 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm của người đứng đầu Sở Kế hoạch - Đầu tư trong tham mưu phê duyệt các dự án mà không bố trí được vốn... Qua giải trình của lãnh đạo sở và trao đổi trực tiếp giữa các đại biểu, nhiều vướng mắc, tồn tại đã tìm thấy nguyên nhân và chủ tọa đã đưa ra biện pháp tháo gỡ ngay tại hội nghị. Tương tự, tại hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp lần thứ 1 năm 2015, Giám đốc Sở GD-ĐT đã phải trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu về nghịch lý trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngành giáo dục. Cụ thể là nhiều trường THPT thừa phòng học, phòng chức năng trong khi nhiều trường tiểu học và mầm non lại thiếu phòng học trầm trọng; tình trạng bỏ học ở bậc THCS trên địa bàn vùng sâu khi vào mùa thu hoạch nông sản khá cao; tình trạng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm không xin được việc làm...

Sau hội nghị chất vấn, hầu hết nội dung đưa ra chất vấn đều có chuyển biến tích cực, đáp ứng mong đợi của cử tri như: Tình trạng y đức xuống cấp được cải thiện đáng kể; chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên; ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp được xem xét và giải quyết hợp lý; các chính sách về tín dụng đến với nông dân được kịp thời, hỗ trợ tích cực cho người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; công tác quy hoạch các dự án được rà soát, loại bỏ các dự án quy hoạch treo; nợ đọng xây dựng cơ bản từng bước được khắc phục...

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
15387

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu