Thứ 6, 29/03/2024 06:41:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:20, 06/06/2020 GMT+7

Quyết liệt chống sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại

Gia Phúc
Thứ 7, 06/06/2020 | 08:20:00 409 lượt xem
BPO - Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 9-9-2010 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các đảng bộ trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai, quán triệt phổ biến sâu rộng nội dung Chỉ thị số 46-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đều xác định công tác xây dựng văn hóa, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục

Trong 10 năm qua, ngành chức năng của tỉnh đã luân chuyển hàng ngàn bản sách, báo về các trường tiểu học và THCS, THPT, giáo dục thường xuyên và các trường chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội thi “Kể chuyện theo sách” đã thu hút hơn 10.000 giáo viên và học sinh tham gia; đưa thư viện sách di động vào sân chơi trường học. Ngoài ra, tỉnh cũng trưng bày khoảng 9.500 bản sách... tạo điều kiện cho các em được trực tiếp chọn lựa tài liệu theo nhu cầu, nâng cao nhận thức về lối sống lành mạnh, có ích cho xã hội.

Thư viện lưu động tỉnh phục vụ nhu cầu đọc sách cho thiếu nhi huyện Bù Đốp

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) đã tạo chuyển biến tốt. Trong 10 năm qua, số hộ đạt gia đình văn hóa ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh có 794/864 quy ước được phê duyệt và đưa vào thực hiện (đạt 91,9%); có 851 nhà văn hóa, hội trường khu dân cư, chiếm 98,45% tổng khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Bài trừ sản phẩm văn hóa độc hại

Trong 10 năm qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã tổ chức 1.457 đợt kiểm tra văn hóa, ra quyết định xử phạt 698 cơ sở với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng. Tiêu hủy 1,9 triệu băng đĩa ca nhạc, phim không tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nội dung khiêu dâm; tháo gỡ 1.700 băng-rôn, pa-nô, quảng cáo rao vặt trái phép và 352 quyển sách in lậu, có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan.

Hằng năm, các đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực do ngành quản lý. Từ năm 2010 đến nay, tổ chức kiểm tra 254 đợt với 1.100 lượt cơ sở kinh doanh, qua đó ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 298 cơ sở với tổng 1,2 tỷ đồng, tịch thu 23.300 đĩa CD-VCD-DVD, 1 bộ đầu máy, 7 bức tranh khiêu dâm, đồi trụy. Xử lý nghiêm, kịp thời hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa như: karaoke, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, massage, game online, trò chơi điện tử có hình ảnh bạo lực, cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm, băng đĩa hình, biểu diễn nghệ thuật không đúng quy định... góp phần phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tiến hành kiểm tra, giám định nội dung xuất bản phẩm lưu hành trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra 4 doanh nghiệp viễn thông, 40 điểm giao dịch đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước, lập biên bản xử lý 13 điểm; kiểm tra hoạt động 38 đại lý internet, lập biên bản xử lý 64 đại lý vi phạm hành chính đối với các lỗi phổ biến như: để khách hàng truy cập vào trang web đồi trụy, hoạt động quá giờ quy định, không lưu nhật ký khách hàng; kiểm tra hoạt động báo chí - xuất bản đối với 20 cơ sở in, phát hành, xử lý vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở, nhắc nhở 12 tổ chức, cá nhân vi phạm. Qua đó, các đơn vị kinh doanh hiểu và chấp hành những quy định pháp luật về lĩnh vực internet, xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm đến các cơ sở in ấn, phát hành để thực hiện đúng quy định pháp luật.

Tăng cường quản lý

Việc quản lý các dịch vụ văn hóa được tỉnh thực hiện có hiệu quả thông qua các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, hoạt động tuyên truyền, giáo dục và kiểm tra liên ngành. UBND tỉnh ban hành chương trình hành động về phát triển văn hóa, thể dục thể thao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; xây dựng “Đề án thiết chế văn hóa, thông tin thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015”; kế hoạch thực hiện đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh...

Đến nay, tỉnh và các huyện có sân vận động, khán đài, nhà thi đấu đa năng; Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Đồng Phú được phê duyệt đầu tư với tổng kinh phí 25 tỷ đồng, quy mô 1 triệt, 2 lầu với sức chứa 592 chỗ ngồi; có 11/11 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp huyện; 100% ấp, khu phố có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng. Toàn tỉnh có 11/11 huyện, thị xã, thành phố được trang bị hệ thống truyền thanh không dây.

Trong 10 năm, tỉnh đã đầu tư hơn 72 tỷ đồng để xây dựng thiết chế văn hóa, lắp đặt 26 máy tập thể dục công cộng tại công viên thị xã Bình Long với tổng kinh phí 668.159.000 đồng. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, nhất là về thông tin báo chí, xuất bản, internet, ấn phẩm văn hóa... và mọi hoạt động có biểu hiện đưa tin sai lệch, tán phát tài liệu có nội dung xuyên tạc, phản động...

Công tác quản lý hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn được thực hiện theo đúng quy định. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương thu hút đông các tầng lớp nhân dân tham gia. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy thông qua các hình thức tổ chức như hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hóa - thể thao dân tộc thiểu số định kỳ trên địa bàn.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tác hại của sản phẩm văn hóa độc hại từng bước được nâng lên. Nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được kế thừa và phát huy. Các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao được đề cao, góp phần tích cực trong bảo vệ và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tạo môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đi vào chiều sâu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư, phát huy được tính tích cực, sáng tạo của nhân dân; nâng cao ý thức tự quản, tự giác trong phát huy các giá trị văn hóa.           

  • Từ khóa
1649

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu