Thứ 6, 29/03/2024 22:34:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:58, 26/12/2019 GMT+7

Quyền lực trong sáng và đen tối

Trần Phương
Thứ 5, 26/12/2019 | 08:58:00 292 lượt xem
BP - “Chấm dứt ngay tình trạng nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp mỗi khi doanh nghiệp có sai sót hay chỉ là bất đồng”. Đó là một trong những kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp” ngày 23-12.

Ngày nay, quyền lực mềm (quyền lực thực hiện thông qua sự hấp dẫn) có sức mạnh không thua kém quyền lực cứng (quyền lực có nguồn gốc xuất phát từ sự đe dọa, dụ dỗ) và có chỗ đứng ngày một quan trọng. Việc sử dụng quyền lực mềm trong đời sống xã hội cũng phong phú hơn. Đáng tiếc, một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy của Nhà nước đã sử dụng quyền lực ấy vào mục đích không trong sáng, vụ lợi, thậm chí vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật.

Một cán bộ không vi phạm bất kỳ quy định nào, nhưng lại âm thầm vận dụng chèn ép, gây khó dễ doanh nghiệp, người dân không khó, cũng không phải là xa lạ thời gian qua. Và không chỉ mối quan hệ giữa cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp, còn là mối quan hệ giữa các cơ quan với nhau, hay giữa chính cán bộ, công chức với nhau. Thực tế không hiếm gặp trường hợp cấp trên thực hiện vẫn đúng quy định chung nhưng lại chèn ép, nâng đỡ được cấp dưới hay làm lợi cho người này, gây bất lợi cho người khác. Đơn cử như cùng thực hiện nhiệm vụ có kết quả như nhau, nhưng người này được tuyên dương, phê bình, còn người kia thì không, thậm chí ngược lại. Cùng một vi phạm, người bị xử lý nặng, người bị xử lý nhẹ, thậm chí có người được bỏ qua...

Có nhiều nguyên nhân, động cơ của việc sử dụng quyền lực không trong sáng ấy. Đó có thể là sự bất đồng quan điểm, có thể do thiện cảm dành cho nhau. Hai nguyên nhân này đều mang tính cá nhân, song dù sao dấu ấn của lợi ích chưa rõ ràng. Một số nguyên nhân khác mới đáng sợ. Đó là xuất phát từ mối quan hệ huyết thống, thân tộc, gia đình, nhóm lợi ích hoặc xuất phát từ lợi ích kinh tế, chính trị trực diện đem lại cho cá nhân.

Việc sử dụng quyền lực, cả quyền lực mềm và quyền lực cứng hoặc chuyển từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm diễn ra thường xuyên, hằng ngày trong đời sống xã hội. Đối với hệ thống chính trị, hiện đang là thời điểm chuẩn bị đại hội đảng các cấp, có nhiều bước tiến hành và liên quan dây chuyền đến nhiều người, cả quyền lực cứng và quyền lực mềm đều được sử dụng khá phổ biến. Vấn đề là việc sử dụng quyền lực ấy có đúng quy định, đặc biệt là có trong sáng hay không.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra: Tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Sử dụng quyền lực tạo ra nhóm lợi ích hay chạy chức, chạy quyền được coi là “tham nhũng trong công tác cán bộ”, là con đường tiến thân của kẻ cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho những “con sâu mọt”, những kẻ bất tài, thoái hóa biến chất “luồn sâu, leo cao”. Lợi ích nhóm và chạy chức, chạy quyền có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu không chấm dứt được việc sử dụng quyền lực theo cách đen tối ấy, chúng liên kết lại trở thành sức mạnh lũng đoạn bộ máy, phạm vi rộng là nguy cơ lớn cho sự phát triển quốc gia, cản trở xây dựng một xã hội công bằng, lành mạnh, phạm vi hẹp là tàn phá từng đơn vị, cơ quan, địa phương.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu