Thứ 7, 20/04/2024 04:43:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:58, 03/09/2020 GMT+7

KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9 (1945-2020)

Quyền con người và quyền dân tộc

Diệp Viên
Thứ 5, 03/09/2020 | 08:58:00 3,001 lượt xem
BPO - Ngày 2-9 cách đây 75 năm, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế. Mở đầu bản Tuyên ngôn, Người đã khẳng định rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 4, trang 1).

Ở đây hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại ý nghĩa của câu mở đầu trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ vào năm 1776 và tiếp theo đó, Người còn nêu lên một câu nữa trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp vào năm 1791. Như vậy, trong bản Tuyên ngôn Độc lập 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển ý nghĩa của 2 câu trong 2 bản tuyên ngôn nổi tiếng của nhân loại. Đó là bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền là văn bản nền tảng của Cách mạng Pháp năm 1791, trong đó có nêu: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Câu thứ 2 là trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ vào năm 1776, trong đó đã khẳng định: Mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được tạo hóa ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại 2 câu văn này? Vì, đó là chân lý đã được cả nhân loại thừa nhận. Đồng thời, chân lý ấy không một ai có thể chối cãi hay phủ nhận được. Và điều quan trọng hơn là ở chỗ thông qua chân lý đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định với thế giới rằng, nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoàn toàn tán đồng và có chung ý tưởng với nhân loại về quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Và lẽ dĩ nhiên là nhân dân Việt Nam cũng có đầy đủ các quyền ấy như nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ hay như mọi dân tộc khác trên hành tinh. Hơn thế nữa, ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đưa ra một quy luật mới bất biến khác, đó là nhân quyền hay quyền con người là bất khả xâm phạm nhưng quyền này chỉ được bảo đảm khi quyền của quốc gia dân tộc được tôn trọng. Nói cách khác là theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người gắn liền với quyền của quốc gia, dân tộc và chỉ khi quốc gia, dân tộc có chủ quyền thì quyền con người mới được bảo đảm và phát huy cao nhất. Thực tế lịch sử của nhân loại từ cổ đến trung, cận và hiện đại đã chứng minh điều này. Bởi, một khi quốc gia, dân tộc đã bị mất chủ quyền, mất tự do thì quyền con người chỉ còn là “quyền của những nô lệ” mà thôi.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945 - Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, có điểm khác biệt trong bản Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, so với bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp và bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Đó là, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người của mỗi cá nhân không thể tách rời quyền của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, trong bản Tuyên ngôn Độc lập 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ khẳng định quyền con người đến quyền của quốc gia, dân tộc. Người viết: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (Sđd, tập 4, tr 2). Trên cơ sở đó, Người đã lên án và kết tội các thế lực đế quốc xâm lược, áp bức, bóc lột dân tộc Việt Nam là trái với lẽ tự nhiên, là vi phạm trắng trợn quyền con người mà cách mạng tư sản của nước Pháp, nước Mỹ đã công nhận. Điều này cũng có nghĩa là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng các thế lực thực dân, đế quốc đã phủ nhận, chà đạp lên tuyên bố của các bậc tiền bối ở chính nước họ.

Với tư tưởng nâng tầm quyền con người thành quyền của quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền bình đẳng giữa mọi người và mọi quốc gia trên trái đất là lẽ tự nhiên, là chân lý không một ai có thể phủ nhận được. Đây chính là tư tưởng một thời đại của Người và mang giá trị vĩnh hằng. Quyền con người và quyền dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Người từng khẳng định, dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Trong các cuộc đấu tranh chống thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, mỗi cá nhân luôn hòa quyện với cộng đồng dân tộc và mọi người tìm thấy giá trị của mình trong giá trị chung của quê hương, đất nước.

Xuất phát từ quan điểm ấy, trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc xóa bỏ vĩnh viễn mọi sự ràng buộc bất bình đẳng giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới nói chung và dân tộc Pháp nói riêng… Người nói: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Sđd, tập 4, tr 4).

Để giữ vững lời thề độc lập, chỉ 1 ngày ngay sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Chính phủ lâm thời và Người đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách: chống giặc đói, giặc dốt, xóa bỏ tất cả các loại thuế bất hợp lý do thực dân Pháp áp đặt, ban hành các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, chuẩn bị tổng tuyển cử, thực hiện nam nữ bình quyền, tự do tín ngưỡng và thực hiện nền giáo dục nhân dân… Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đang trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới để đưa đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là Đảng và Nhà nước ta đã kế thừa và phát triển những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền của dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới.

Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay. Ngay sau khi thành lập nước, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các hoạt động bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ 2 trên thế giới tham gia ký công ước quốc tế về quyền trẻ em. Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, nhắc lại Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh để một lần nữa chúng ta khẳng định rằng, nhân quyền là vấn đề quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta từ trước tới nay. Dù các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính trị có cố tình xuyên tạc, bịa đặt nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi.

  • Từ khóa
35044

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu