Thứ 6, 29/03/2024 19:08:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:32, 11/04/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Quyền chiếm hữu

Thứ 7, 11/04/2015 | 13:32:00 5,745 lượt xem
BP - Một trong những điểm mới của dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi là quyền chiếm hữu đã được cụ thể hóa bằng một phần riêng, với 3 điều gồm 214, 215 và 216. Về quyền chiếm hữu của chủ sở hữu được quy định tại Điều 214, với nội dung như sau: Trường hợp chủ sở hữu chiếm hữu vật thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý vật nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Việc chiếm hữu của chủ sở hữu không bị hạn chế, gián đoạn về thời gian, trừ trường hợp chủ sở hữu chuyển giao việc chiếm hữu cho người khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Tôi hoàn toàn nhất trí với quy định trên và đánh giá cao việc dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã thừa nhận quyền chiếm hữu như một quyền năng độc lập với quyền sở hữu. Tuy nhiên, tại định nghĩa quyền sở hữu lại duy trì cách liệt kê bao gồm quyền chiếm hữu, theo tôi là chưa phù hợp. Cụ thể, khái niệm về quyền sở hữu được nêu trong Điều 208, với nội dung như sau: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, quy định về quyền sở hữu như trên chưa hoàn thiện, chưa đúng, chưa phù hợp là bởi, nếu chúng ta đã thừa nhận chiếm hữu là tình trạng riêng biệt thì việc chúng ta thấy nó hiện diện hoặc biểu hiện gắn quyền sở hữu là đương nhiên. Hơn nữa, trong thực tế không phải lúc nào quyền chiếm hữu cũng là một bộ phận của quyền sở hữu. Bởi có khi quyền chiếm hữu “chống lại” cả quyền sở hữu. Ví dụ dưới đây là một minh chứng:

Tôi bán một thứ hàng hóa cho một tên cướp, trong đó số tiền để mua hàng hóa của tôi mà tên cướp có được là do đã thực hiện một vụ cướp. Tuy số tiền mà tên cướp có được là của bất chính nhưng nhà chức trách không thể bắt tôi trả lại số tiền đó. Bởi tôi hoàn toàn ngay tình. Như vậy, mặc dù tên cướp không phải là chủ sở hữu số tiền nhưng được suy đoán là có quyền như chủ sở hữu số tiền khi đang thực hiện giao dịch với tôi. Các văn bản pháp luật hiện hành không bắt buộc tôi có trách nhiệm hay nghĩa vụ phải tìm hiểu nguồn gốc số tiền mà người khác có được để dùng vào việc mua hàng hóa của mình. Tôi đồng tình với việc quyền chiếm hữu được thừa nhận độc lập trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi là một tiến bộ. Nhưng xem nó là bộ phận không tách rời quyền sở hữu thì chẳng khác gì chúng ta tự mâu thuẫn trong tư duy. Vì vậy, tôi kiến nghị trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi không xem quyền chiếm hữu là bộ phận của quyền sở hữu, mà chỉ ghi nhận tình trạng chiếm hữu đương nhiên của chủ sở hữu.

Một điểm mới nữa mà tôi cho rằng rất hợp lý và tiến bộ, đó là trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi đã sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý” để thay cho thuật ngữ “giao dịch dân sự” được sử dụng tại Bộ luật dân sự 2005. Vì thuật ngữ “giao dịch” thể hiện mối quan hệ mang tính chất đa phương hoặc song phương. Như vậy, việc Bộ luật dân sự 2005 quy định “giao dịch dân sự” bao gồm “hành vi pháp lý đơn phương” là thiếu logic. Từ lẽ đó mà dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi lần này đã khắc phục thiếu sót trên bằng cách thay thuật ngữ “giao dịch dân sự” bằng thuật ngữ “hành vi pháp lý”. Theo tôi, đây là một thay đổi hoàn toàn phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Bởi lẽ, “hành vi pháp lý” được hiểu là một hành động hoặc không hành động một cách có ý thức của con người nên nó có thể vừa mang tính đơn phương vừa mang tính đa phương hoặc song phương (nếu nó được thực hiện trong mối quan hệ giữa hai hoặc nhiều người). Cho nên, nếu sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý” thì việc quy định “hành vi pháp lý bao gồm hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương” sẽ hợp logic hơn.

HP

  • Từ khóa
12887

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu