Thứ 6, 29/03/2024 14:52:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:44, 28/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Quy định về lãi suất đã lỗi thời

Thứ 4, 28/01/2015 | 10:44:00 1,564 lượt xem
BP - Quy định về lãi suất cho vay, tại Điều 476 trong Bộ luật Dân sự hiện hành có quy định cụ thể như sau: 1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. 2. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định hiện hành về lãi suất đã thể hiện sự lỗi thời và bộc lộ những bất cập rất lớn, gây khó khăn cho quá trình áp dụng ngoài thực tiễn. Do vậy, tôi đề nghị trong dự thảo Bộ luật Dân sự, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi quy định này. Vì đây là quy định cứng nhắc, không thực tế và không phản ánh đúng quy luật cung cầu của thị trường.

Hơn nữa, trong lĩnh vực ngân hàng, lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước ấn định phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định lãi suất cho vay căn cứ vào lãi suất mà họ huy động được trong xã hội. Và trong thực tế khi các TCTD phải huy động vốn với lãi suất cao thì bắt buộc họ cũng phải ấn định lãi suất cho vay tương ứng thì mới có lãi để duy trì hoạt động. Và trong những năm qua, có rất nhiều TCTD phải ấn định lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản cho phù hợp với lãi suất huy động.

Bên cạnh đó, mặc dù có sự thỏa thuận giữa khách hàng và TCTD, nhưng khả năng hợp đồng tín dụng bị tòa án tuyên vô hiệu là rất lớn, bởi nó cao hơn so với quy định trong Bộ luật Dân sự nêu trên. Và điều này vô tình tạo căn cứ pháp lý nếu khách hàng của TCTD không thiện chí, không muốn trả lãi sau thời gian đã sử dụng vốn vay, gây rủi ro hoạt động và thiệt hại cho các TCTD. Ngược lại, với lãi suất thị trường, hệ thống ngân hàng có nhiều cơ hội huy động vốn tốt hơn, tạo ra nguồn lực bền vững để đáp ứng các nhu cầu tín dụng đa dạng cho doanh nghiệp với các mức lãi suất cạnh tranh...

Từ phân tích trên, theo ý kiến của cá nhân tôi thì việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay như trong Điều 491 của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi là phù hợp. Điều 491 trong dự thảo có nội dung như sau: 1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất được xác định theo lãi suất luật định, nếu không có lãi suất luật định thì coi như hợp đồng vay không có lãi, trừ trường hợp luật có quy định khác. 3. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do  Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. 

Lg: Hải Như

  • Từ khóa
12508

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu